Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

BÀI DỰ THI TÌM HIỂU BÌNH ĐẲNG GIỚI 2012








                                                                        





 BÀI DỰ THI


"Tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới"

Câu 1: Luật bình đẳng giới quy định bao nhiêu thuật ngữ liên quan đến bình đẳng giới? Nêu các nội dung cụ thể của từng thuật ngữ và cho 2 ví dụ minh họa 2 khái niệm bất kỳ?
Trả lời:
Theo Điều 5 của luật bình đẳng giới quy định 8 thuật ngữ về bình đẳng giới.                             Nội dung như sau:
1. Giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội.
2. Giới tính chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ.
3. Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
4. Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.
5. Phân biệt đối xử về giới là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
6. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được.
7. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới bằng cách xác định vấn đề giới, dự báo tác động giới của văn bản, trách nhiệm, nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong các quan hệ xã hội được văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.
          8. Hoạt động bình đẳng giới là hoạt động do cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân thực hiện nhằm đạt mục tiêu bình đẳng giới.
9. Chỉ số phát triển giới (GDI) là số liệu tổng hợp phản ánh thực trạng bình đẳng giới, được tính trên cơ sở tuổi thọ trung bình, trình độ giáo dục và thu nhập bình quân đầu người của nam và nữ     
Ví dụ: Về định kiến giới
          Ông bà ngày xưa có câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, rõ ràng quan niệm này cho thấy việc xem trọng con trai: 1 con trai thì có, 10 con gái cũng như không. Mặc dù đó là quan niệm sai lầm nhưng còn nặng trong tư tưởng của mỗi người dân Á đông cả trong xã hội hiện đại. Hoặc "Đàn ông xây nhà, đàn bà bay thẳng cánh"
          Ví dụ: Về giới tính
          Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009, tỷ lệ sinh giảm từ 2,33 con/phụ nữ vào năm 1999 xuống còn 2,03 con/phụ nữ vào năm 2009……. ở mức thấp, tầm vóc, thể lực còn hạn chế... Đặc biệt, tỷ số chỉ số giới tính ở Việt Nam……, từ 106,2 bé trai vào năm 2000 lên tới 110,5 bé trai vào năm 2009. Việc lựa chọn giới tính thai nhi cho thấy sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, định kiến giới tính.
          Câu 2. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là gì? Nêu các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trên từng lĩnh vực (15 điểm)?
   Theo Luật Bình đẳng giới của Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 10 số 73/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006, khoản 6 Điều 5 giải thích rõ:
   Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được.
   Theo Luật Bình đẳng giới của Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 10 số 73/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định tại khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 5 Điều 14 và khoản 1 Điều 19 của Luật này, cụ thể như sau:
          Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
   a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
   b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
          Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:
   a) Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật;
   b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.
          Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:
   a) Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;
   b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;
   c) Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
          Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:
   a) Quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo;
   b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.
          Những biện pháp khác
   a) Quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng;
   b) Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam;
   c) Hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam;
   d) Quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam;
   đ) Quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;
   e) Quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;
          Câu 3. Anh/chị hãy nêu những quy định về nội dung và mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động? Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, chế độ nghỉ thai sản được quy định như thế nào? (15 điểm)
   Quy định về nội dung và mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động: Theo Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2009 của chính phủ, Điều 8 quy định như sau:
   1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc chênh lệch về mức tiền lương, tiền công của những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lý do giới tính.
   2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
   a) Áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hoặc đối với các nghề nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật;
   b) Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.
   3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
   Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại khoản 1
   Chế độ nghỉ thai sản hiện hành: Theo Bộ luật Lao động năm 1994 sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007 điểu 114 quy định:
   1- Người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con, cộng lại từ bốn đến sáu tháng do Chính phủ quy định, tuỳ theo điều kiện lao động, tính chất công việc nặng nhọc, độc hại và nơi xa xôi hẻo lánh. Nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 30 ngày. Quyền lợi của người lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản được quy định tại Điều 141 và Điều 144 của Bộ luật này.
   2- Hết thời gian nghỉ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, người lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động. Người lao động nữ có thể đi làm việc trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu đã nghỉ ít nhất được hai tháng sau khi sinh và có giấy của thầy thuốc chứng nhận việc trở lại làm việc sớm không có hại cho sức khoẻ và phải báo cho người sử dụng lao động biết trước. Trong trường hợp này, người lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản, ngoài tiền lương của những ngày làm việc.
          Câu 4. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu nào nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị? Bằng hiểu biết của mình, anh/chị hãy nêu tên đầy đủ của các vị lãnh đạo nữ cấp cao hiện nay của Đảng, Nhà nước Việt Nam (gồm: Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chính phủ, các Bộ trưởng)? (15 điểm)
   Theo quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2010 của thủ tướng chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, Mục b) khoản 2, Điều 1 nêu rõ:
   Mục tiêu 1: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
   - Chỉ tiêu 1: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 – 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 – 2020 trên 35%.
   - Chỉ tiêu 2: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
   - Chỉ tiêu 3: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% và đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
   Các vị lãnh đạo nữ cấp cao hiện nay của Đảng, Nhà nước Việt Nam:
  Bộ Chính trị: Đồng chí Tòng Thị Phóng
  Ban Bí thư: Đồng chí Hà Thị Khiết; Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân
  Quốc hội: Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch QH; Đồng chí Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch QH
  UBTVQH: Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng Ban Công tác đại biểu
  Phó Chủ tịch nước: Đồng chí Nguyễn Thị Doan
  Chính phủ: Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế
          Câu 5: Từ những tình huống, câu chuyện thực tế trong cuộc sống, hãy viết một bài tối đa 1500 từ về cá nhân hoặc tập thể điển hình hoặc chia sẻ câu chuyện, sự kiện ấn tượng trong việc thực hiện bình đẳng giới.
Trả lời:

Hiện nay, việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của mọi người không phân biệt một tầng lớp, giai cấp nào. Có thể nói, trong số đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về thực hiện bình đẳng giới mà chúng ta cần phải học hỏi.
 Nhà thơ Tố Hữu đã từng ca ngợi Bác Hồ:
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế Ôm cả non sông mọi kiếp người
Vâng, trong những “kiếp người” chung của cả dân tộc, Bác đã giành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ.
Mà điều Bác quan tâm nhất là vấn đề giải phóng phụ nữ. Nếu vấn đề giải phóng phụ nữ là vấn đề cơ bản nhất trong các vấn đề của phụ nữ thì quyền bình đẳng giữa nam và nữ lại là nội dung quan trọng nhất, cốt lõi nhất của vấn đề này. Chính vì vậy mà Bác đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”, vì sao Bác lại khẳng định như vậy?
Hơn ai hết, Bác là người hiểu rõ rằng: Trong xã hội, người phụ nữ là người bị áp bức, chịu đau khổ và thiệt thòi nhiều nhất: Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ không được coi trọng. Cái quan niệm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” ấy đã khiến chị em suy nghĩ thật xót xa:
“ Thân em như cái chổi đầu hè
Phòng khi mưa gió cho chàng chùi chân”
Do vậy, họ là nạn nhân của chế độ “đa thê”:
“Trai thì năm thê bảy thiếp
Gái chính chuyên chỉ có một chồng”

         
Chế độ đa thê ấy làm cho người phụ nữ lâm vào hoàn cảnh thật éo le. Vì vậy mà Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã phải cất lên tiếng chửi: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!”. Những hiện tượng trên làm nhức nhối mỗi chúng ta. Mặt khác, người phụ nữ phải làm việc nhiều nhất là các công việc nội trợ, việc gia đình dẫn đến sự thiếu thốn về thời gian, suy giảm thể lực. Lúc này có sự mâu thuẫn giữa hai chức năng: chức năng lao động xã hội với tư cách là một công dân bình đẳng với nam giới; chức năng tái sản xuất sức lao động cho xã hội với tư cách là người vợ, người mẹ, người nội trợ trong gia đình nhưng vẫn chưa được bình đẳng với nam giới.
Quyền bình đẳng thật sự của người phụ nữ theo Bác là người đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân. Thực chất của vấn đề bình đẳng nam nữ được Bác quan tâm không chỉ ở góc độ chính trị mà còn ở cả góc độ kinh tế, không chỉ ngoài xã hội mà trong cả lĩnh vực gia đình, gia tộc; không chỉ ở góc độ nghĩa vụ mà còn là quyền lợi: quyền bầu cử và ứng cử, quyền được đào tạo, học hành, quyền được tham gia lao động xã hội, được tự do trong hôn nhân, được tham gia vào các cấp lãnh đạo quản lý Nhà nước và Đảng...
Với cương vị của một Chủ tịch nước, trong những lo lắng quan tâm chung cho đồng bào cả nước, Bác luôn quan tâm tới sự bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Rất nhiều lần Người phê phán những thái độ đối xử không tốt đối với phụ nữ như coi thường không tin tưởng chị em, tệ đánh vợ...Mỗi hội nghị, nếu có đại biểu nữ, Bác thường mời lên đầu, ân cần hỏi han đến chuyện gia đình con cái, đến cuộc sống và những khó khăn riêng của chị em.
Cần phải nói rằng không phải ai cũng có được một cái nhìn tiến bộ về phụ nữ như Bác. Suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những lời khen ngợi động viên, những đánh giá cao của người luôn là điểm tựa tinh thần lớn lao để phụ nữ nước ta hoàn thành nhiệm vụ. Tự hào thay khi Bác ca ngợi phụ nữ chúng ta:
“Phụ nữ ta chẳng tầm thường
Đánh đông dẹp bắc làm gương để đời”.
Chúng ta thật xúc động khi nghe Bác nhận xét chị Nguyễn Thị Định - một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu: “phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho Miền Nam cho cả dân tộc!” Và Bác đã thay mặt cho Đảng, Nhà nước tặng phụ nữ Miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung 8 chữ vàng: "ANH HÙNG - BẤT KHUẤT - TRUNG HẬU - ĐẢM ĐANG".
Thái độ đối xử bình đẳng với phụ nữ của Bác không phải là cái gì khác ngoài lòng tin cậy, đánh giá cao vai trò và năng lực của người phụ nữ, động viên khơi dậy những năng lực tiềm tàng ở họ để làm tròn những trách nhiệm được giao.
          Không những Bác quan tâm đến quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam mà Bác còn quan tâm đến cả phụ nữ quốc tế. Khi đến thăm tượng Thần Tự Do ở Mỹ, trong khi rất nhiều chính khách viết những lời ca ngợi Thần với những ngôn từ đẹp nhất thì Bác, lúc đó là Nguyễn Ái Quốc đã ghi một câu đại ý: Thần Tự Do toả ánh sáng khắp nơi nhưng dưới chân Thần vẫn còn những người phụ nữ bị đánh đập. Bao giờ người phụ nữ nhất là người phụ nữ da đen mới được tự do, bình đẳng? Tấm lòng của Bác mênh mông sâu thẳm biết bao!
Mỗi giới đều có vai trò riêng của mình: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, song để phụ nữ được bình đẳng với nam giới về mọi mặt, Bác cũng chỉ rõ: Giành lại quyền bình đẳng cho phụ nữ là cuộc cách mạng lâu dài, to lớn và khó nhất chứ không phải là việc: Hôm nay anh nấu cơm, quét nhà, rửa bát; ngày mai em rửa bát, quét nhà, nấu cơm; Cần có nhiều chủ trương chính sách, sử dụng biện pháp tổng hợp toàn diện về kinh tế, văn hoá xã hội để giải quyết vấn đề phụ nữ. Đặc biệt bản thân chị em phải tự lực tự cường phấn đấu để vươn lên, rèn luyện theo các tiêu chí: có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân đạo để khẳng định mình. 
Kế thừa tư tưởng tiến bộ của Bác về vấn đề bình đẳng giới, đất nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thích hợp để phát huy vai trò thế mạnh của phụ nữ. Nghị quyết số 11 của Bộ chính trị - BCHTW Đảng khoá X về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đã ghi rõ: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35 đến 40%, các cơ quan đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ...”
Có thể nói rằng tư tưởng giải phóng phụ nữ, đem lại quyền bình đẳng cho phụ nữ của Bác có ý nghĩa hết sức lớn lao: tư tưởng ấy đã chỉ dẫn cho người phụ nữ Việt Nam, cổ vũ chị em trên con đường đấu tranh đi tới bình đẳng tự do cùng nhân loại tiến bộ. Tư tưởng ấy cũng cho mỗi chúng ta một bài học nhân văn: coi trọng con người, tất cả vì con người.
Bản thân không ngừng học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong công tác phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Luôn quan tâm chia sẽ với cán bộ nữ trong cơ quan cũng như mẹ, chị và em trong gia đình, góp phần xây dựng nước ta giàu manh, bình đẳng, tự do, tạo điều kiện đưa phụ nữ Việt Nam trở thành một trong những phụ nữ thành đạt và có bản lĩnh trên thế giới.
          Câu 6: Theo anh chị, bản thân và cơ quan, tổ chức, địa phương nơi anh chị đang sinh sống nên làm gì để thực hiện bình đẳng giới được tốt hơn.
          Trả lời:
          Đối với các cấp lãnh đạo:
          Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước các cấp đối với công tác phụ nữ, nhằm phấn đấu đến năm 2015, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực có sự bất bình đẳng hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới cao, tạo đà cho sự thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2020. Về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội.
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị
- Rà soát các quy định về thực hiện bình đẳng giới nhằm đem lại những lợi ích thiết thực cho phụ nữ.
- Nâng cao vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như trong cuộc sống gia đình, đó chính là sự bình đẳng giữa vợ và chồng, trong xã hội cũng như trong tổ chức cơ quan.
- Xây dựng cơ chế đảm bảo thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào cơ cấu chính quyền các cấp...
- Tăng cường công tác tuyên truyền về bình đẳng giới từ Trung ương đến địa phương.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết của Đảng về bình đẳng giới tại các địa phương trên cả nước.
          - Hỗ trợ việc nâng cao năng lực cho nữ thông qua các chương trình, Hội nghị, Hội thảo, tổ chức các lớp học nâng cao trình độ hiểu biết cho phụ nữ...
          Đối với địa phương:
                   - Quán triệt tốt những chủ trương, chính sách của Đảng về việc tuyên truyền toàn thể nhân dân trong tỉnh thực hiện bình đẳng giới.
                   - Tạo mọi điều kiện cho phụ nữ từ cơ quan, công chức, doanh nhân, công dân nữ có đủ mọi điều kiện để được học tập nâng cao trình độ về giới cũng như phát triển những kĩ năng về tự chăm sóc sức khỏe.
                   - Phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng như các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế xã phường thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên chức nữ cũng như nhân dân. Hỗ trợ chính sách cho cán bộ nữ ở các cơ quan nhà nước, đơn vị trường học và người nghèo.
          Đối với cơ quan đang công tác (trường Đại học Bạc Liêu):
          - Luôn quan tâm đến cán bộ viên chức nữ, trường có nhiều hỗ trợ cho cán bộ nứ: tạo điều kiện cho cán bộ nữ được nâng cao trình độ chuyên môn , nghiệp vụ của mình như: đưa đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài, dự các hội nghị, hội thảo về công tác phụ nữ trong thời kì công nghiệp hóa - hiện đại hóa; quy hoạch cán bộ lãnh đạo nữ ở các khoa, phòng và tổ bộ môn...
           -Tuyên truyền cho tất cả các cán bộ viên chức trong trường thực hiện bình đẳng giới, góp phần tạo mọi điều kiện cho cán bộ nứ công tác tốt.
          Đối với bản thân:
          - Quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đảng về luật bình đẳng giới
          - Tuyên truyền cho mọi người, sinh viên biết về luật bình đẳng giới.
          - Chia sẽ những công việc gia đình với mẹ, chị cũng như với đồng nghiệp nữ trong trường học.
          - Đấu tranh chống mọi biểu hiện, quan niệm "trọng nam khinh nữ"...
          Với vai trò là người bà, người mẹ, người vợ, người chị, người em gái trong gia đình, phụ nữ cần tạo điều kiện cho các thành viên nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các họat động về bình đẳng giới; phân công hợp lý, hướng dẫn và động viên các thành viên nam trong gia đình chia sẻ công việc gia đình; đối xử công bằng đối với các thành viên nam, nữ.
          Với vai trò là công dân, phụ nữ và hội viên phụ nữ cần xóa bỏ tâm lý tự ti, an phận, cam chịu và định kiến giới; có ý chí tự cường, tự lập, tự nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật, nâng cao nhận thức, hiểu biết về bình đẳng giới; tích cực tham gia các họat động vì bình đẳng giới của các cấp Hội phụ nữ, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và các cơ quan, tổ chức, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và hướng dẫn thực hiện những hành vi đúng về bình đẳng giới; lên án, ngăn chặn những hành vi phân biệt đối xử về giới; giám sát việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới của cộng đồng, của các cơ quan, tổ chức và công dân.


VĂN HÓA ĐỌC VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĐỌC SÁCH LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC HIỆN NAY



                                                LÊ HỮU LỢI [1]      
Hội thảo khoa học trường Đại học Tiền Giang (26/'09/2012)                    

TÓM TẮT
Trong bài viết này, tác giả tập trung vào việc tìm hiểu vài nét về văn hóa đọc, đồng thời nói lên tầm quan trọng của việc đọc sách nói chung và đọc sách lý luận chính trị nói riêng trong môi trường giáo dục đại học trong sự phát triển văn hóa đọc hiện nay.

1. Dẫn nhập
Hiện nay khi nền kinh tế Việt Nam đang định hướng chuyển nhanh và mạnh sang nền kinh tế tri thức, cùng với sự bùng nổ về thông tin, nhiều vấn đề được đặt ra, điều này đòi hỏi mỗi chúng ta, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên phải luôn nỗ lực học hỏi, đối mặt, ứng xử chắt lọc trong vô vàn thông tin để có thể tồn tại và đứng vững. Để làm được điều đó rất cần đến sự tích lũy về văn hóa, vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống…Sự tích luỹ đó được thể hiện qua một quá trình học tập lâu dài, không chỉ việc học ở trường mà phần quan trọng quyết định là quá trình tự học, qua việc đọc sách mỗi cá nhân, nói rộng ra đó là văn hóa đọc.
Đọc sách là nhu cầu của tất cả mọi người, bởi lẽ sách là phương tiện học tập thuận lợi, giúp con người nâng cao nhận thức, hiểu biết. Sách là kho tàng tri thức mà nhân loại tạo ra, lưu lại, truyền cho thế hệ sau. Đó là nguồn tri thức rất quan trọng và vô tận đối với tất cả mọi người, những cuốn sách có nội dung tốt sẽ đưa đến cho chúng ta không chỉ những hiểu biết mới mà còn cả những sự suy nghĩ tìm tòi và sự biến đổi về tâm hồn. Lênin đã dạy rằng: "Không có sách, không có tri thức. Không có tri thức, không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản".
Chúng ta phải thừa nhận rằng trong cuộc sống, con người không thể thiếu sách. Nhất là các sinh viên đang học ở môi trường giáo dục đại học, đây là nơi có nhiều điều kiện tiếp cận với những tri thức mới của khoa học và công nghê.
Ở môi trường Đại học hiện nay, sách lý luận chính trị phần lớn là những giáo trình dùng cho việc giảng dạy các môn chung như: Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hay Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật, Nhà nước...Sách lý luận chính trị, pháp luật có vai trò, vị trí quan trọng, trực tiếp tuyên truyền, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu kiến thức, kinh nghiệm có giá trị, tinh hoa văn hóa của nhân loại; góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng; giáo dục, nâng cao trình độ, ý thức và niềm tin chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch. Đó cũng chính là những kiến thức nền tảng mà sinh viên cần phải nắm, hiểu và vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo, góp phần tự nâng cao trình độ hiểu biết của chính mình. Vì thế nên, chúng ta nhận thấy rằng  việc học và đọc sách lý luận chính trị  là rất quan trọng.
Với thực tiễn nêu trên, văn hóa đọc có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của nhân loại ngày nay, cũng như tầm quan trọng của việc đọc sách lý luận chính trị ở bậc đại học. Bài viết sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ nhận định này;
2. Văn hóa đọc và tầm quan trọng của việc đọc sách lý luận chính trị trong môi trường giáo dục đại học hiện nay.
2.1. Văn hóa đọc
Văn hoá đọc là một khái niệm có hai nghĩa. Văn hoá đọc, theo nghĩa rộng, đó là nền văn hoá đọc của mỗi quốc gia thể hiện qua chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước, của cộng đồng và ý thức của mỗi thành viên trong xã hội về xây dựng phát triển cơ sở vật chất (thư viện, phòng đọc, xuất bản phát hành sách, tài liệu...)  nhằm phát triển văn hóa đọc. Văn hoá đọc, theo nghĩa hẹp là đọc có văn hoá, đó là ứng xử đối với việc đọc: thể hiện qua thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của mỗi người đọc.
Trước hết cần tạo ra và phát triển thói quen đọc suốt cuộc đời cho mỗi người. Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, ở nhiều nước người ta bắt đầu thực hiện từ tuổi trước khi đến trường, do các bậc cha mẹ thực hiện. Còn trong suốt cuộc đời đi học và sau khi ra đời là quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng đọc. Nếu xét văn hoá đọc của từng cá nhân phải đảm bảo có đủ cả ba yếu tố trên.            Mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, sẽ giúp cho văn hóa đọc ngày càng phát triển hơn;
2.2. Tầm quan trọng của việc đọc sách nói chung và đọc sách lý luận chính trị nói riêng trong môi trường giáo dục đại học hiện nay
Việc đọc sách nói chung có tầm quan trọng rất lớn đối với tất cả mọi người:
a.      Đọc sách giúp tăng cường khả năng giao tiếp.
Bạn có bao giờ thấy ngại ngùng khi đứng trước đám đông? Bạn có bao giờ run lẩy bẩy không biết diễn đạt ý mình như thế nào trước mọi người? Bạn có bao giờ nói vòng vo một vấn đề và cố gắng giải thích mà người khác vẫn không sao hiểu nổi?
Đọc sách thực chất là một quá trình giao tiếp, khi đó tác giả quyển sách và bạn là những nhân vật tham gia giao tiếp. Chỉ có điều quá trình giao tiếp này diễn ra 1 chiều, những vấn đề tác giả nói đến đi sâu vào trí não và hình thành tư duy ở bạn thế nhưng những suy nghĩ của bạn tác giả không hề biết được nếu bạn không viết thư hay gọi điện thoại phản hồi. Quá trình giao tiếp này giúp các bạn hiểu vấn đề, biết cách trình bày vấn đề theo chiều hướng triển khai hay khái quát hợp lý, cách lý luận hay dùng dẫn chứng chứng minh cho một luận điểm nào đó. Đọc sách một thời gian lâu, bạn sẽ biết trình bày vấn đề một cách khúc chiết, mạch lạc, suông sẻ, có đầu có đuôi gọn gàng dễ hiểu.
b.      Đọc sách giúp rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo.
Như vậy, quá trình đọc sách thực chất cũng là một quá trình quan sát các sự vật và hiện tượng trong cuộc sống thực mà chữ viết được quy ước tượng trưng thông qua quá trình tưởng tượng, liên tưởng. Rồi cũng có khi sự liên tưởng nảy sinh khi bạn so sánh những vấn đề đã được đọc trong sách này và sách khác, trong quan điểm của người này người khác, cái giống và khác nhau, tại sao lại có giống và khác như vậy… Trí tưởng tượng phong phú, suy nghĩ cặn kẽ, kết hợp với những động lực khám phá tìm tòi sẽ giúp bạn hình thành năng lực sáng tạo, nghĩ ra cái mới, tìm ra cái mới và từ đó làm ra cái mới. Không có đọc sách, người ta khó có thể thực hiện được điều đó.
c.      Đọc sách giúp rèn luyện năng lực ngôn ngữ.
            Việc đọc sách là biện pháp hữu hiệu nhất giúp bạn khắc phục những sai sót đó trong việc sử dụng ngôn ngữ. Bạn đọc một cuốn sách văn chương thấy tác giả dùng những từ ngữ rất hay để miêu tả bầu trời trong những trạng thái khác nhau. Bạn sẽ thấy những câu văn bắt đầu bằng chủ ngữ hay vị ngữ, bắt đầu bằng động từ hoặc tính từ mà vẫn đúng cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt. Bạn biết cách dùng những từ ngữ chuyển tiếp ‘‘như vậy’’, ‘‘đương nhiên’’ một cách khéo léo uyển chuyển để diễn đạt vấn đề. Và chính quá trình đọc sách lâu dài, sự tập trung và tinh ý sẽ giúp bạn hình thành những kĩ năng ngôn ngữ đó.
d.      Đọc sách giúp sống tốt trong xã hội và làm người.
Đọc sách và sống tốt là hai việc xem ra chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng thực chất có sự tác động qua lại rất lớn. Ai cũng biết, người biết suy nghĩ phải trái, biết lý lẽ là những người không sống tùy tiện. Mọi lời nói, suy nghĩ và việc làm của họ luôn hướng tới cái hay, cái đẹp; hướng tới lợi ích bản thân trong mối quan hệ với lợi ích chung của những người xung quanh. Cách sống đó là món trang sức quý giá nhất mà mỗi người tự trang bị cho mình thông qua học vấn, cụ thể là từ việc đọc sách.
Sách Lý luận chính trị là sách có nội dung Lý luận cơ bản về học thuyết chính trị xã hội, thường được trình bày dưới dạng những quy luật chung, những nguyên lý phổ biến mang tính khái quát rộng và tính khoa học cao. Hệ thống lý luận này được xác định trên cơ sở thực tiễn vận động của lịch sử xã hội và sau đó quay trở lại chỉ đạo hoạt động chính trị xã hội hay nói cách khác chỉ đạo hoạt động sáng tạo lịch sử của con người đương đại. Sách Lý luận chính trị bao gồm :
- Sách kinh điển của Mác - Ăngghen, Hồ Chí Minh.  
- Sách giáo khoa các bộ môn khoa học Mác - Lênin chủ yếu áp dụng trong các trường chính trị, đại học, phổ thông trung học.
- Sách của các vị lãnh tụ Đảng và Nhà nước.
- Sách triết học và xã hội học.
Hiện nay, các loại sách này có rất nhiều ở thư viện của các trường cao đẳng, đại học  trên toàn quốc. Tầm quan trọng của nó là rất lớn đối với bạn đọc, sinh viên, giảng viên và những nhà nghiên cứu, nhất là cán bộ lãnh đạo và quản lý nhà nước...
Thứ nhất, đây chính là sản phẩm văn hoá tinh thần trí tuệ, đem lại cho người Việt Nam chúng ta những chân lý của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ánh sáng đường lối chủ trương chính sách của Đảng. Xây dựng thế giới quan và nhân sinh quan khoa học, cách mạng. Những kiến thức về lịch sử, kinh tế, văn hoá, khoa học kỷ thuật, về quản lý kinh tế xã hội; những hiểu biết về đất nước, dân tộc, con người về thế giới, về quá khứ, hiện tại và những dự báo về tương lai. Những thông tin cần thiết cho nhu cầu giải trí của con người, những giá trị của văn minh dân tộc và nhân loại… Chính vì vậy mà sách vừa là công cụ để hiểu biết, vừa là vũ khí đấu tranh giai cấp sắc bén vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, đưa đất nước phát triển lên phía trước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chẳng hạn như:  những tác phẩm vĩ đại của Mác và Ăngghen được phổ biến rộng rãi trên thế giới cùng với tác phẩm của Lênin là ngọn cờ tư tưởng và là vũ khí sắc bén của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, chống chủ nghĩa đế quốc vì một nền hoà bình dân chủ và xây dựng cộng sản chủ nghĩa trên toàn thế giới.
Thứ hai, đối với giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị, việc cần và nên đọc thật nhiều các loại sách lý luận chính trị là một công việc phải làm thường xuyên và có kế hoạch, giảng viên dựa vào đó mà chuẩn bị bài giảng để không mất phương hướng khi trình bày bài giảng cho sinh viên trước khi lên lớp, đặc biệt là phương hướng chính trị (điều rất quan trọng trong khi giảng dạy các môn lý luận chính trị). Giáo trình, giáo khoa, tài liệu học tập … thường trình bày nội dung cơ bản dưới hình thức chung, cô đọng, ngắn gọn nhất. Vì vậy, người dạy phải đọc các loại sách tham khảo khác để tìm kiếm tư liệu minh họa cho phù hợp với từng đối tượng khác nhau, từng thời gian khác nhau, có như vậy bài giảng mới thành công.
Mặt khác, các giáo trình, giáo khoa, tài liệu học tập lý luận chính trị có tính ổn định tương đối trong một thời gian nhất định (thường là một nhiệm kỳ Đại hội Đảng). Vì vậy không phải lúc nào cũng được bổ sung, sửa chữa in mới trong khi các chủ trương, quan điểm của Đảng luôn được bổ sung phát triển qua các Hội nghị Trung ương… nhất là tình hình và kết quả thực hiện hàng quý, hàng năm, hàng tháng trong cả nước cũng như của từng địa phương cũng luôn có những kết quả mới. Do đó, yêu cầu các giảng viên phải đọc sách, đọc tài liệu bổ sung, chứng minh làm rõ nội dung bài giảng. Sức thuyết phục, sự cảm hóa của người học qua bài giảng lý luận chính trị chính là ở chỗ này.
Thứ ba, đối với sinh viên. Ngoài sinh viên chuyên ngành chính trị, các ngành không chuyên ít nhất cũng phải trải qua 3 đến 4 môn học lý luận chính trị. Do vậy việc cần phải đọc sách, tìm tài liệu liên quan đến bộ môn trước và trong khi học là một việc làm hết sức cần thiết góp phần tự cung cấp cho mình những kiến thức thiết thực về môn học. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là người đọc có hiểu nội dung viết cái gì hay không? Do vậy, cần phải có một kỹ năng đọc, một phương pháp đọc phù hợp. Nếu làm được điều đó sẽ giúp cho sinh viên tích lũy được nhiều vốn kiến thức, bỗ trợ cho các môn học khác. Có thể nói, đọc sách lý luận chính trị giúp ích rất nhiều cho học viên, sinh viên, điều này thể hiện ở việc:
- Xây dựng tư duy khoa học theo chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sống có ích, lạc quan, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho việc học tập của bản thân khi đã đọc và học các môn lý luận chính trị. Ví dụ như: khi đọc giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ cung cấp cho các sinh viên những kiến thức cơ bản về nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc, giải phóng dân tộc, phát triển văn hóa, giáo dục, Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch vững mạnh... Có thể thấy, mỗi quyển sách sẽ đem lại cho người đọc một kiến thức khác nhau. Nhưng riêng những sách lý luận chính trị cung cấp những kiến thức mang tính chất nền tảng lý luận và thực tiễn cách mạng nhất.
Như vậy, việc đọc sách lý luận chính trị có ý nghĩa to lớn với tất cả mọi người, thông qua đọc sách giúp mỗi người nâng cao trình độ nhận thức, kiến thức để tự hoàn thiện bản thân hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đối với mỗi giảng viên và học viên trong học tập lý luận chính trị lại càng cần phải đọc sách để tự hoàn thiện bản thân minh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của quá trình dạy và học lý luận chính trị…

3. Kết Luận
Tóm lại, thông qua bài viết này chúng ta có thể thấy rõ một điều rằng, sách rất quý đối với tất cả mọi người cũng như việc đọc sách là không thể thiếu. Đọc sách sẽ giúp chúng ta có thêm kiến thức, nâng cao vốn trí tuệ, giữ gìn chuẩn mực, tạo tiền đề thúc đẩy văn hóa đọc ngày nay phát triển, xây dựng nền văn hóa đọc Việt Nam phát triển, phong phú và đa dạng các loại hình.
Việc đọc sách lý luận chính trị là một trong những việc làm cụ thể nhất, cần thiết nhất cung cấp cho người đọc những lợi ích thiết thực, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa có một tư duy khoa học - biện chứng, lý tưởng sống cao đẹp... thúc đẩy văn hóa đọc Việt Nam vươn xa hơn trên thế giới, củng cố giá trị chuẩn mực đọc của dân tộc. Riêng bản thân không ngừng tìm tòi tài liệu, sách hay để đọc và nghiên cứu phục vụ cho công tác giảng dạy hiện tại và trong tương lai.    


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Lý Trường Chiến (2008), Giám đốc phía Nam báo KH&DT,  Vài giải pháp nhằm nâng cao văn hóa đọc (http://www.sachhay.com/new/20080327439/vai-giai-phap-nham-nang-cao-van-hoa-doc-nha.aspx
[2]. Nguyễn Hữu Viêm (2009),  Văn hoá đọc và phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam (http://www.nlv.gov.vn/nlv/index.php/20091119239/Van-hoa-doc/Van-hoa-doc-va-phat-trien-van-hoa-doc-o-Viet-Nam.html)
[4]. Tạp chí Tuyên giáo số 9/2009 (http://www.muasach24h.com/phuong-phap-ky-nang-doc-sach/a56735.html)

Thông tin về tác giả:
CN. Lê Hữu Lợi -  Bộ môn Lý luận chính trị - Trường Đại học Bạc Liêu
- SĐT: 0976065979 - Email: leloi1501@gmail.com






[1] Bộ môn Lý luận chính trị - Trường Đại học Bạc Liêu