Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

VĂN HÓA ĐỌC VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĐỌC SÁCH LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC HIỆN NAY



                                                LÊ HỮU LỢI [1]      
Hội thảo khoa học trường Đại học Tiền Giang (26/'09/2012)                    

TÓM TẮT
Trong bài viết này, tác giả tập trung vào việc tìm hiểu vài nét về văn hóa đọc, đồng thời nói lên tầm quan trọng của việc đọc sách nói chung và đọc sách lý luận chính trị nói riêng trong môi trường giáo dục đại học trong sự phát triển văn hóa đọc hiện nay.

1. Dẫn nhập
Hiện nay khi nền kinh tế Việt Nam đang định hướng chuyển nhanh và mạnh sang nền kinh tế tri thức, cùng với sự bùng nổ về thông tin, nhiều vấn đề được đặt ra, điều này đòi hỏi mỗi chúng ta, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên phải luôn nỗ lực học hỏi, đối mặt, ứng xử chắt lọc trong vô vàn thông tin để có thể tồn tại và đứng vững. Để làm được điều đó rất cần đến sự tích lũy về văn hóa, vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống…Sự tích luỹ đó được thể hiện qua một quá trình học tập lâu dài, không chỉ việc học ở trường mà phần quan trọng quyết định là quá trình tự học, qua việc đọc sách mỗi cá nhân, nói rộng ra đó là văn hóa đọc.
Đọc sách là nhu cầu của tất cả mọi người, bởi lẽ sách là phương tiện học tập thuận lợi, giúp con người nâng cao nhận thức, hiểu biết. Sách là kho tàng tri thức mà nhân loại tạo ra, lưu lại, truyền cho thế hệ sau. Đó là nguồn tri thức rất quan trọng và vô tận đối với tất cả mọi người, những cuốn sách có nội dung tốt sẽ đưa đến cho chúng ta không chỉ những hiểu biết mới mà còn cả những sự suy nghĩ tìm tòi và sự biến đổi về tâm hồn. Lênin đã dạy rằng: "Không có sách, không có tri thức. Không có tri thức, không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản".
Chúng ta phải thừa nhận rằng trong cuộc sống, con người không thể thiếu sách. Nhất là các sinh viên đang học ở môi trường giáo dục đại học, đây là nơi có nhiều điều kiện tiếp cận với những tri thức mới của khoa học và công nghê.
Ở môi trường Đại học hiện nay, sách lý luận chính trị phần lớn là những giáo trình dùng cho việc giảng dạy các môn chung như: Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hay Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật, Nhà nước...Sách lý luận chính trị, pháp luật có vai trò, vị trí quan trọng, trực tiếp tuyên truyền, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu kiến thức, kinh nghiệm có giá trị, tinh hoa văn hóa của nhân loại; góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng; giáo dục, nâng cao trình độ, ý thức và niềm tin chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch. Đó cũng chính là những kiến thức nền tảng mà sinh viên cần phải nắm, hiểu và vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo, góp phần tự nâng cao trình độ hiểu biết của chính mình. Vì thế nên, chúng ta nhận thấy rằng  việc học và đọc sách lý luận chính trị  là rất quan trọng.
Với thực tiễn nêu trên, văn hóa đọc có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của nhân loại ngày nay, cũng như tầm quan trọng của việc đọc sách lý luận chính trị ở bậc đại học. Bài viết sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ nhận định này;
2. Văn hóa đọc và tầm quan trọng của việc đọc sách lý luận chính trị trong môi trường giáo dục đại học hiện nay.
2.1. Văn hóa đọc
Văn hoá đọc là một khái niệm có hai nghĩa. Văn hoá đọc, theo nghĩa rộng, đó là nền văn hoá đọc của mỗi quốc gia thể hiện qua chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước, của cộng đồng và ý thức của mỗi thành viên trong xã hội về xây dựng phát triển cơ sở vật chất (thư viện, phòng đọc, xuất bản phát hành sách, tài liệu...)  nhằm phát triển văn hóa đọc. Văn hoá đọc, theo nghĩa hẹp là đọc có văn hoá, đó là ứng xử đối với việc đọc: thể hiện qua thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của mỗi người đọc.
Trước hết cần tạo ra và phát triển thói quen đọc suốt cuộc đời cho mỗi người. Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, ở nhiều nước người ta bắt đầu thực hiện từ tuổi trước khi đến trường, do các bậc cha mẹ thực hiện. Còn trong suốt cuộc đời đi học và sau khi ra đời là quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng đọc. Nếu xét văn hoá đọc của từng cá nhân phải đảm bảo có đủ cả ba yếu tố trên.            Mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, sẽ giúp cho văn hóa đọc ngày càng phát triển hơn;
2.2. Tầm quan trọng của việc đọc sách nói chung và đọc sách lý luận chính trị nói riêng trong môi trường giáo dục đại học hiện nay
Việc đọc sách nói chung có tầm quan trọng rất lớn đối với tất cả mọi người:
a.      Đọc sách giúp tăng cường khả năng giao tiếp.
Bạn có bao giờ thấy ngại ngùng khi đứng trước đám đông? Bạn có bao giờ run lẩy bẩy không biết diễn đạt ý mình như thế nào trước mọi người? Bạn có bao giờ nói vòng vo một vấn đề và cố gắng giải thích mà người khác vẫn không sao hiểu nổi?
Đọc sách thực chất là một quá trình giao tiếp, khi đó tác giả quyển sách và bạn là những nhân vật tham gia giao tiếp. Chỉ có điều quá trình giao tiếp này diễn ra 1 chiều, những vấn đề tác giả nói đến đi sâu vào trí não và hình thành tư duy ở bạn thế nhưng những suy nghĩ của bạn tác giả không hề biết được nếu bạn không viết thư hay gọi điện thoại phản hồi. Quá trình giao tiếp này giúp các bạn hiểu vấn đề, biết cách trình bày vấn đề theo chiều hướng triển khai hay khái quát hợp lý, cách lý luận hay dùng dẫn chứng chứng minh cho một luận điểm nào đó. Đọc sách một thời gian lâu, bạn sẽ biết trình bày vấn đề một cách khúc chiết, mạch lạc, suông sẻ, có đầu có đuôi gọn gàng dễ hiểu.
b.      Đọc sách giúp rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo.
Như vậy, quá trình đọc sách thực chất cũng là một quá trình quan sát các sự vật và hiện tượng trong cuộc sống thực mà chữ viết được quy ước tượng trưng thông qua quá trình tưởng tượng, liên tưởng. Rồi cũng có khi sự liên tưởng nảy sinh khi bạn so sánh những vấn đề đã được đọc trong sách này và sách khác, trong quan điểm của người này người khác, cái giống và khác nhau, tại sao lại có giống và khác như vậy… Trí tưởng tượng phong phú, suy nghĩ cặn kẽ, kết hợp với những động lực khám phá tìm tòi sẽ giúp bạn hình thành năng lực sáng tạo, nghĩ ra cái mới, tìm ra cái mới và từ đó làm ra cái mới. Không có đọc sách, người ta khó có thể thực hiện được điều đó.
c.      Đọc sách giúp rèn luyện năng lực ngôn ngữ.
            Việc đọc sách là biện pháp hữu hiệu nhất giúp bạn khắc phục những sai sót đó trong việc sử dụng ngôn ngữ. Bạn đọc một cuốn sách văn chương thấy tác giả dùng những từ ngữ rất hay để miêu tả bầu trời trong những trạng thái khác nhau. Bạn sẽ thấy những câu văn bắt đầu bằng chủ ngữ hay vị ngữ, bắt đầu bằng động từ hoặc tính từ mà vẫn đúng cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt. Bạn biết cách dùng những từ ngữ chuyển tiếp ‘‘như vậy’’, ‘‘đương nhiên’’ một cách khéo léo uyển chuyển để diễn đạt vấn đề. Và chính quá trình đọc sách lâu dài, sự tập trung và tinh ý sẽ giúp bạn hình thành những kĩ năng ngôn ngữ đó.
d.      Đọc sách giúp sống tốt trong xã hội và làm người.
Đọc sách và sống tốt là hai việc xem ra chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng thực chất có sự tác động qua lại rất lớn. Ai cũng biết, người biết suy nghĩ phải trái, biết lý lẽ là những người không sống tùy tiện. Mọi lời nói, suy nghĩ và việc làm của họ luôn hướng tới cái hay, cái đẹp; hướng tới lợi ích bản thân trong mối quan hệ với lợi ích chung của những người xung quanh. Cách sống đó là món trang sức quý giá nhất mà mỗi người tự trang bị cho mình thông qua học vấn, cụ thể là từ việc đọc sách.
Sách Lý luận chính trị là sách có nội dung Lý luận cơ bản về học thuyết chính trị xã hội, thường được trình bày dưới dạng những quy luật chung, những nguyên lý phổ biến mang tính khái quát rộng và tính khoa học cao. Hệ thống lý luận này được xác định trên cơ sở thực tiễn vận động của lịch sử xã hội và sau đó quay trở lại chỉ đạo hoạt động chính trị xã hội hay nói cách khác chỉ đạo hoạt động sáng tạo lịch sử của con người đương đại. Sách Lý luận chính trị bao gồm :
- Sách kinh điển của Mác - Ăngghen, Hồ Chí Minh.  
- Sách giáo khoa các bộ môn khoa học Mác - Lênin chủ yếu áp dụng trong các trường chính trị, đại học, phổ thông trung học.
- Sách của các vị lãnh tụ Đảng và Nhà nước.
- Sách triết học và xã hội học.
Hiện nay, các loại sách này có rất nhiều ở thư viện của các trường cao đẳng, đại học  trên toàn quốc. Tầm quan trọng của nó là rất lớn đối với bạn đọc, sinh viên, giảng viên và những nhà nghiên cứu, nhất là cán bộ lãnh đạo và quản lý nhà nước...
Thứ nhất, đây chính là sản phẩm văn hoá tinh thần trí tuệ, đem lại cho người Việt Nam chúng ta những chân lý của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ánh sáng đường lối chủ trương chính sách của Đảng. Xây dựng thế giới quan và nhân sinh quan khoa học, cách mạng. Những kiến thức về lịch sử, kinh tế, văn hoá, khoa học kỷ thuật, về quản lý kinh tế xã hội; những hiểu biết về đất nước, dân tộc, con người về thế giới, về quá khứ, hiện tại và những dự báo về tương lai. Những thông tin cần thiết cho nhu cầu giải trí của con người, những giá trị của văn minh dân tộc và nhân loại… Chính vì vậy mà sách vừa là công cụ để hiểu biết, vừa là vũ khí đấu tranh giai cấp sắc bén vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, đưa đất nước phát triển lên phía trước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chẳng hạn như:  những tác phẩm vĩ đại của Mác và Ăngghen được phổ biến rộng rãi trên thế giới cùng với tác phẩm của Lênin là ngọn cờ tư tưởng và là vũ khí sắc bén của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, chống chủ nghĩa đế quốc vì một nền hoà bình dân chủ và xây dựng cộng sản chủ nghĩa trên toàn thế giới.
Thứ hai, đối với giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị, việc cần và nên đọc thật nhiều các loại sách lý luận chính trị là một công việc phải làm thường xuyên và có kế hoạch, giảng viên dựa vào đó mà chuẩn bị bài giảng để không mất phương hướng khi trình bày bài giảng cho sinh viên trước khi lên lớp, đặc biệt là phương hướng chính trị (điều rất quan trọng trong khi giảng dạy các môn lý luận chính trị). Giáo trình, giáo khoa, tài liệu học tập … thường trình bày nội dung cơ bản dưới hình thức chung, cô đọng, ngắn gọn nhất. Vì vậy, người dạy phải đọc các loại sách tham khảo khác để tìm kiếm tư liệu minh họa cho phù hợp với từng đối tượng khác nhau, từng thời gian khác nhau, có như vậy bài giảng mới thành công.
Mặt khác, các giáo trình, giáo khoa, tài liệu học tập lý luận chính trị có tính ổn định tương đối trong một thời gian nhất định (thường là một nhiệm kỳ Đại hội Đảng). Vì vậy không phải lúc nào cũng được bổ sung, sửa chữa in mới trong khi các chủ trương, quan điểm của Đảng luôn được bổ sung phát triển qua các Hội nghị Trung ương… nhất là tình hình và kết quả thực hiện hàng quý, hàng năm, hàng tháng trong cả nước cũng như của từng địa phương cũng luôn có những kết quả mới. Do đó, yêu cầu các giảng viên phải đọc sách, đọc tài liệu bổ sung, chứng minh làm rõ nội dung bài giảng. Sức thuyết phục, sự cảm hóa của người học qua bài giảng lý luận chính trị chính là ở chỗ này.
Thứ ba, đối với sinh viên. Ngoài sinh viên chuyên ngành chính trị, các ngành không chuyên ít nhất cũng phải trải qua 3 đến 4 môn học lý luận chính trị. Do vậy việc cần phải đọc sách, tìm tài liệu liên quan đến bộ môn trước và trong khi học là một việc làm hết sức cần thiết góp phần tự cung cấp cho mình những kiến thức thiết thực về môn học. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là người đọc có hiểu nội dung viết cái gì hay không? Do vậy, cần phải có một kỹ năng đọc, một phương pháp đọc phù hợp. Nếu làm được điều đó sẽ giúp cho sinh viên tích lũy được nhiều vốn kiến thức, bỗ trợ cho các môn học khác. Có thể nói, đọc sách lý luận chính trị giúp ích rất nhiều cho học viên, sinh viên, điều này thể hiện ở việc:
- Xây dựng tư duy khoa học theo chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sống có ích, lạc quan, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho việc học tập của bản thân khi đã đọc và học các môn lý luận chính trị. Ví dụ như: khi đọc giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ cung cấp cho các sinh viên những kiến thức cơ bản về nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc, giải phóng dân tộc, phát triển văn hóa, giáo dục, Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch vững mạnh... Có thể thấy, mỗi quyển sách sẽ đem lại cho người đọc một kiến thức khác nhau. Nhưng riêng những sách lý luận chính trị cung cấp những kiến thức mang tính chất nền tảng lý luận và thực tiễn cách mạng nhất.
Như vậy, việc đọc sách lý luận chính trị có ý nghĩa to lớn với tất cả mọi người, thông qua đọc sách giúp mỗi người nâng cao trình độ nhận thức, kiến thức để tự hoàn thiện bản thân hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đối với mỗi giảng viên và học viên trong học tập lý luận chính trị lại càng cần phải đọc sách để tự hoàn thiện bản thân minh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của quá trình dạy và học lý luận chính trị…

3. Kết Luận
Tóm lại, thông qua bài viết này chúng ta có thể thấy rõ một điều rằng, sách rất quý đối với tất cả mọi người cũng như việc đọc sách là không thể thiếu. Đọc sách sẽ giúp chúng ta có thêm kiến thức, nâng cao vốn trí tuệ, giữ gìn chuẩn mực, tạo tiền đề thúc đẩy văn hóa đọc ngày nay phát triển, xây dựng nền văn hóa đọc Việt Nam phát triển, phong phú và đa dạng các loại hình.
Việc đọc sách lý luận chính trị là một trong những việc làm cụ thể nhất, cần thiết nhất cung cấp cho người đọc những lợi ích thiết thực, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa có một tư duy khoa học - biện chứng, lý tưởng sống cao đẹp... thúc đẩy văn hóa đọc Việt Nam vươn xa hơn trên thế giới, củng cố giá trị chuẩn mực đọc của dân tộc. Riêng bản thân không ngừng tìm tòi tài liệu, sách hay để đọc và nghiên cứu phục vụ cho công tác giảng dạy hiện tại và trong tương lai.    


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Lý Trường Chiến (2008), Giám đốc phía Nam báo KH&DT,  Vài giải pháp nhằm nâng cao văn hóa đọc (http://www.sachhay.com/new/20080327439/vai-giai-phap-nham-nang-cao-van-hoa-doc-nha.aspx
[2]. Nguyễn Hữu Viêm (2009),  Văn hoá đọc và phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam (http://www.nlv.gov.vn/nlv/index.php/20091119239/Van-hoa-doc/Van-hoa-doc-va-phat-trien-van-hoa-doc-o-Viet-Nam.html)
[4]. Tạp chí Tuyên giáo số 9/2009 (http://www.muasach24h.com/phuong-phap-ky-nang-doc-sach/a56735.html)

Thông tin về tác giả:
CN. Lê Hữu Lợi -  Bộ môn Lý luận chính trị - Trường Đại học Bạc Liêu
- SĐT: 0976065979 - Email: leloi1501@gmail.com






[1] Bộ môn Lý luận chính trị - Trường Đại học Bạc Liêu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét