Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

BÀI DỰ THI TÌM HIỂU BÌNH ĐẲNG GIỚI 2012








                                                                        





 BÀI DỰ THI


"Tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới"

Câu 1: Luật bình đẳng giới quy định bao nhiêu thuật ngữ liên quan đến bình đẳng giới? Nêu các nội dung cụ thể của từng thuật ngữ và cho 2 ví dụ minh họa 2 khái niệm bất kỳ?
Trả lời:
Theo Điều 5 của luật bình đẳng giới quy định 8 thuật ngữ về bình đẳng giới.                             Nội dung như sau:
1. Giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội.
2. Giới tính chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ.
3. Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
4. Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.
5. Phân biệt đối xử về giới là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
6. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được.
7. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới bằng cách xác định vấn đề giới, dự báo tác động giới của văn bản, trách nhiệm, nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong các quan hệ xã hội được văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.
          8. Hoạt động bình đẳng giới là hoạt động do cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân thực hiện nhằm đạt mục tiêu bình đẳng giới.
9. Chỉ số phát triển giới (GDI) là số liệu tổng hợp phản ánh thực trạng bình đẳng giới, được tính trên cơ sở tuổi thọ trung bình, trình độ giáo dục và thu nhập bình quân đầu người của nam và nữ     
Ví dụ: Về định kiến giới
          Ông bà ngày xưa có câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, rõ ràng quan niệm này cho thấy việc xem trọng con trai: 1 con trai thì có, 10 con gái cũng như không. Mặc dù đó là quan niệm sai lầm nhưng còn nặng trong tư tưởng của mỗi người dân Á đông cả trong xã hội hiện đại. Hoặc "Đàn ông xây nhà, đàn bà bay thẳng cánh"
          Ví dụ: Về giới tính
          Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009, tỷ lệ sinh giảm từ 2,33 con/phụ nữ vào năm 1999 xuống còn 2,03 con/phụ nữ vào năm 2009……. ở mức thấp, tầm vóc, thể lực còn hạn chế... Đặc biệt, tỷ số chỉ số giới tính ở Việt Nam……, từ 106,2 bé trai vào năm 2000 lên tới 110,5 bé trai vào năm 2009. Việc lựa chọn giới tính thai nhi cho thấy sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, định kiến giới tính.
          Câu 2. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là gì? Nêu các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trên từng lĩnh vực (15 điểm)?
   Theo Luật Bình đẳng giới của Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 10 số 73/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006, khoản 6 Điều 5 giải thích rõ:
   Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được.
   Theo Luật Bình đẳng giới của Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 10 số 73/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định tại khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 5 Điều 14 và khoản 1 Điều 19 của Luật này, cụ thể như sau:
          Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
   a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
   b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
          Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:
   a) Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật;
   b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.
          Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:
   a) Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;
   b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;
   c) Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
          Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:
   a) Quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo;
   b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.
          Những biện pháp khác
   a) Quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng;
   b) Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam;
   c) Hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam;
   d) Quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam;
   đ) Quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;
   e) Quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;
          Câu 3. Anh/chị hãy nêu những quy định về nội dung và mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động? Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, chế độ nghỉ thai sản được quy định như thế nào? (15 điểm)
   Quy định về nội dung và mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động: Theo Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2009 của chính phủ, Điều 8 quy định như sau:
   1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc chênh lệch về mức tiền lương, tiền công của những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lý do giới tính.
   2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
   a) Áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hoặc đối với các nghề nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật;
   b) Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.
   3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
   Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại khoản 1
   Chế độ nghỉ thai sản hiện hành: Theo Bộ luật Lao động năm 1994 sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007 điểu 114 quy định:
   1- Người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con, cộng lại từ bốn đến sáu tháng do Chính phủ quy định, tuỳ theo điều kiện lao động, tính chất công việc nặng nhọc, độc hại và nơi xa xôi hẻo lánh. Nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 30 ngày. Quyền lợi của người lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản được quy định tại Điều 141 và Điều 144 của Bộ luật này.
   2- Hết thời gian nghỉ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, người lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động. Người lao động nữ có thể đi làm việc trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu đã nghỉ ít nhất được hai tháng sau khi sinh và có giấy của thầy thuốc chứng nhận việc trở lại làm việc sớm không có hại cho sức khoẻ và phải báo cho người sử dụng lao động biết trước. Trong trường hợp này, người lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản, ngoài tiền lương của những ngày làm việc.
          Câu 4. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu nào nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị? Bằng hiểu biết của mình, anh/chị hãy nêu tên đầy đủ của các vị lãnh đạo nữ cấp cao hiện nay của Đảng, Nhà nước Việt Nam (gồm: Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chính phủ, các Bộ trưởng)? (15 điểm)
   Theo quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2010 của thủ tướng chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, Mục b) khoản 2, Điều 1 nêu rõ:
   Mục tiêu 1: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
   - Chỉ tiêu 1: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 – 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 – 2020 trên 35%.
   - Chỉ tiêu 2: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
   - Chỉ tiêu 3: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% và đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
   Các vị lãnh đạo nữ cấp cao hiện nay của Đảng, Nhà nước Việt Nam:
  Bộ Chính trị: Đồng chí Tòng Thị Phóng
  Ban Bí thư: Đồng chí Hà Thị Khiết; Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân
  Quốc hội: Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch QH; Đồng chí Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch QH
  UBTVQH: Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng Ban Công tác đại biểu
  Phó Chủ tịch nước: Đồng chí Nguyễn Thị Doan
  Chính phủ: Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế
          Câu 5: Từ những tình huống, câu chuyện thực tế trong cuộc sống, hãy viết một bài tối đa 1500 từ về cá nhân hoặc tập thể điển hình hoặc chia sẻ câu chuyện, sự kiện ấn tượng trong việc thực hiện bình đẳng giới.
Trả lời:

Hiện nay, việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của mọi người không phân biệt một tầng lớp, giai cấp nào. Có thể nói, trong số đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về thực hiện bình đẳng giới mà chúng ta cần phải học hỏi.
 Nhà thơ Tố Hữu đã từng ca ngợi Bác Hồ:
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế Ôm cả non sông mọi kiếp người
Vâng, trong những “kiếp người” chung của cả dân tộc, Bác đã giành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ.
Mà điều Bác quan tâm nhất là vấn đề giải phóng phụ nữ. Nếu vấn đề giải phóng phụ nữ là vấn đề cơ bản nhất trong các vấn đề của phụ nữ thì quyền bình đẳng giữa nam và nữ lại là nội dung quan trọng nhất, cốt lõi nhất của vấn đề này. Chính vì vậy mà Bác đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”, vì sao Bác lại khẳng định như vậy?
Hơn ai hết, Bác là người hiểu rõ rằng: Trong xã hội, người phụ nữ là người bị áp bức, chịu đau khổ và thiệt thòi nhiều nhất: Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ không được coi trọng. Cái quan niệm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” ấy đã khiến chị em suy nghĩ thật xót xa:
“ Thân em như cái chổi đầu hè
Phòng khi mưa gió cho chàng chùi chân”
Do vậy, họ là nạn nhân của chế độ “đa thê”:
“Trai thì năm thê bảy thiếp
Gái chính chuyên chỉ có một chồng”

         
Chế độ đa thê ấy làm cho người phụ nữ lâm vào hoàn cảnh thật éo le. Vì vậy mà Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã phải cất lên tiếng chửi: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!”. Những hiện tượng trên làm nhức nhối mỗi chúng ta. Mặt khác, người phụ nữ phải làm việc nhiều nhất là các công việc nội trợ, việc gia đình dẫn đến sự thiếu thốn về thời gian, suy giảm thể lực. Lúc này có sự mâu thuẫn giữa hai chức năng: chức năng lao động xã hội với tư cách là một công dân bình đẳng với nam giới; chức năng tái sản xuất sức lao động cho xã hội với tư cách là người vợ, người mẹ, người nội trợ trong gia đình nhưng vẫn chưa được bình đẳng với nam giới.
Quyền bình đẳng thật sự của người phụ nữ theo Bác là người đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân. Thực chất của vấn đề bình đẳng nam nữ được Bác quan tâm không chỉ ở góc độ chính trị mà còn ở cả góc độ kinh tế, không chỉ ngoài xã hội mà trong cả lĩnh vực gia đình, gia tộc; không chỉ ở góc độ nghĩa vụ mà còn là quyền lợi: quyền bầu cử và ứng cử, quyền được đào tạo, học hành, quyền được tham gia lao động xã hội, được tự do trong hôn nhân, được tham gia vào các cấp lãnh đạo quản lý Nhà nước và Đảng...
Với cương vị của một Chủ tịch nước, trong những lo lắng quan tâm chung cho đồng bào cả nước, Bác luôn quan tâm tới sự bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Rất nhiều lần Người phê phán những thái độ đối xử không tốt đối với phụ nữ như coi thường không tin tưởng chị em, tệ đánh vợ...Mỗi hội nghị, nếu có đại biểu nữ, Bác thường mời lên đầu, ân cần hỏi han đến chuyện gia đình con cái, đến cuộc sống và những khó khăn riêng của chị em.
Cần phải nói rằng không phải ai cũng có được một cái nhìn tiến bộ về phụ nữ như Bác. Suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những lời khen ngợi động viên, những đánh giá cao của người luôn là điểm tựa tinh thần lớn lao để phụ nữ nước ta hoàn thành nhiệm vụ. Tự hào thay khi Bác ca ngợi phụ nữ chúng ta:
“Phụ nữ ta chẳng tầm thường
Đánh đông dẹp bắc làm gương để đời”.
Chúng ta thật xúc động khi nghe Bác nhận xét chị Nguyễn Thị Định - một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu: “phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho Miền Nam cho cả dân tộc!” Và Bác đã thay mặt cho Đảng, Nhà nước tặng phụ nữ Miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung 8 chữ vàng: "ANH HÙNG - BẤT KHUẤT - TRUNG HẬU - ĐẢM ĐANG".
Thái độ đối xử bình đẳng với phụ nữ của Bác không phải là cái gì khác ngoài lòng tin cậy, đánh giá cao vai trò và năng lực của người phụ nữ, động viên khơi dậy những năng lực tiềm tàng ở họ để làm tròn những trách nhiệm được giao.
          Không những Bác quan tâm đến quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam mà Bác còn quan tâm đến cả phụ nữ quốc tế. Khi đến thăm tượng Thần Tự Do ở Mỹ, trong khi rất nhiều chính khách viết những lời ca ngợi Thần với những ngôn từ đẹp nhất thì Bác, lúc đó là Nguyễn Ái Quốc đã ghi một câu đại ý: Thần Tự Do toả ánh sáng khắp nơi nhưng dưới chân Thần vẫn còn những người phụ nữ bị đánh đập. Bao giờ người phụ nữ nhất là người phụ nữ da đen mới được tự do, bình đẳng? Tấm lòng của Bác mênh mông sâu thẳm biết bao!
Mỗi giới đều có vai trò riêng của mình: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, song để phụ nữ được bình đẳng với nam giới về mọi mặt, Bác cũng chỉ rõ: Giành lại quyền bình đẳng cho phụ nữ là cuộc cách mạng lâu dài, to lớn và khó nhất chứ không phải là việc: Hôm nay anh nấu cơm, quét nhà, rửa bát; ngày mai em rửa bát, quét nhà, nấu cơm; Cần có nhiều chủ trương chính sách, sử dụng biện pháp tổng hợp toàn diện về kinh tế, văn hoá xã hội để giải quyết vấn đề phụ nữ. Đặc biệt bản thân chị em phải tự lực tự cường phấn đấu để vươn lên, rèn luyện theo các tiêu chí: có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân đạo để khẳng định mình. 
Kế thừa tư tưởng tiến bộ của Bác về vấn đề bình đẳng giới, đất nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thích hợp để phát huy vai trò thế mạnh của phụ nữ. Nghị quyết số 11 của Bộ chính trị - BCHTW Đảng khoá X về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đã ghi rõ: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35 đến 40%, các cơ quan đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ...”
Có thể nói rằng tư tưởng giải phóng phụ nữ, đem lại quyền bình đẳng cho phụ nữ của Bác có ý nghĩa hết sức lớn lao: tư tưởng ấy đã chỉ dẫn cho người phụ nữ Việt Nam, cổ vũ chị em trên con đường đấu tranh đi tới bình đẳng tự do cùng nhân loại tiến bộ. Tư tưởng ấy cũng cho mỗi chúng ta một bài học nhân văn: coi trọng con người, tất cả vì con người.
Bản thân không ngừng học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong công tác phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Luôn quan tâm chia sẽ với cán bộ nữ trong cơ quan cũng như mẹ, chị và em trong gia đình, góp phần xây dựng nước ta giàu manh, bình đẳng, tự do, tạo điều kiện đưa phụ nữ Việt Nam trở thành một trong những phụ nữ thành đạt và có bản lĩnh trên thế giới.
          Câu 6: Theo anh chị, bản thân và cơ quan, tổ chức, địa phương nơi anh chị đang sinh sống nên làm gì để thực hiện bình đẳng giới được tốt hơn.
          Trả lời:
          Đối với các cấp lãnh đạo:
          Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước các cấp đối với công tác phụ nữ, nhằm phấn đấu đến năm 2015, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực có sự bất bình đẳng hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới cao, tạo đà cho sự thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2020. Về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội.
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị
- Rà soát các quy định về thực hiện bình đẳng giới nhằm đem lại những lợi ích thiết thực cho phụ nữ.
- Nâng cao vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như trong cuộc sống gia đình, đó chính là sự bình đẳng giữa vợ và chồng, trong xã hội cũng như trong tổ chức cơ quan.
- Xây dựng cơ chế đảm bảo thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào cơ cấu chính quyền các cấp...
- Tăng cường công tác tuyên truyền về bình đẳng giới từ Trung ương đến địa phương.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết của Đảng về bình đẳng giới tại các địa phương trên cả nước.
          - Hỗ trợ việc nâng cao năng lực cho nữ thông qua các chương trình, Hội nghị, Hội thảo, tổ chức các lớp học nâng cao trình độ hiểu biết cho phụ nữ...
          Đối với địa phương:
                   - Quán triệt tốt những chủ trương, chính sách của Đảng về việc tuyên truyền toàn thể nhân dân trong tỉnh thực hiện bình đẳng giới.
                   - Tạo mọi điều kiện cho phụ nữ từ cơ quan, công chức, doanh nhân, công dân nữ có đủ mọi điều kiện để được học tập nâng cao trình độ về giới cũng như phát triển những kĩ năng về tự chăm sóc sức khỏe.
                   - Phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng như các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế xã phường thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên chức nữ cũng như nhân dân. Hỗ trợ chính sách cho cán bộ nữ ở các cơ quan nhà nước, đơn vị trường học và người nghèo.
          Đối với cơ quan đang công tác (trường Đại học Bạc Liêu):
          - Luôn quan tâm đến cán bộ viên chức nữ, trường có nhiều hỗ trợ cho cán bộ nứ: tạo điều kiện cho cán bộ nữ được nâng cao trình độ chuyên môn , nghiệp vụ của mình như: đưa đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài, dự các hội nghị, hội thảo về công tác phụ nữ trong thời kì công nghiệp hóa - hiện đại hóa; quy hoạch cán bộ lãnh đạo nữ ở các khoa, phòng và tổ bộ môn...
           -Tuyên truyền cho tất cả các cán bộ viên chức trong trường thực hiện bình đẳng giới, góp phần tạo mọi điều kiện cho cán bộ nứ công tác tốt.
          Đối với bản thân:
          - Quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đảng về luật bình đẳng giới
          - Tuyên truyền cho mọi người, sinh viên biết về luật bình đẳng giới.
          - Chia sẽ những công việc gia đình với mẹ, chị cũng như với đồng nghiệp nữ trong trường học.
          - Đấu tranh chống mọi biểu hiện, quan niệm "trọng nam khinh nữ"...
          Với vai trò là người bà, người mẹ, người vợ, người chị, người em gái trong gia đình, phụ nữ cần tạo điều kiện cho các thành viên nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các họat động về bình đẳng giới; phân công hợp lý, hướng dẫn và động viên các thành viên nam trong gia đình chia sẻ công việc gia đình; đối xử công bằng đối với các thành viên nam, nữ.
          Với vai trò là công dân, phụ nữ và hội viên phụ nữ cần xóa bỏ tâm lý tự ti, an phận, cam chịu và định kiến giới; có ý chí tự cường, tự lập, tự nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật, nâng cao nhận thức, hiểu biết về bình đẳng giới; tích cực tham gia các họat động vì bình đẳng giới của các cấp Hội phụ nữ, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và các cơ quan, tổ chức, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và hướng dẫn thực hiện những hành vi đúng về bình đẳng giới; lên án, ngăn chặn những hành vi phân biệt đối xử về giới; giám sát việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới của cộng đồng, của các cơ quan, tổ chức và công dân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét