Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

MỘT SỐ KINH NGHIỆM DẠY LỚP ĐÔNG SINH VIÊN CÓ HIỆU QUẢ


MỘT SỐ KINH NGHIỆM DẠY LỚP ĐÔNG SINH VIÊN CÓ HIỆU QUẢ
CN. Lê Hữu Lợi - Giảng viên
Bộ môn Lý luận chính trị
SĐT: 0976065979
Email: leloi1501@gmail.com
Tóm tắt
"Dạy lớp đông sinh viên" đang là một hiện tượng rất phổ biến trong việc giảng dạy ở các bậc đại học, cao đẳng, cũng như trung cấp chuyên nghiệp và ở các trường dạy nghề. Trong giới hạn nhất định, chúng tôi chỉ tiếp cân đến đối tượng sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng mà thôi. Vấn đề đặt ra hiện nay đó là, làm sao để nâng cao hiệu quả giảng dạy khi thực trạng lớp học rất đông sinh viên. Vì lẽ đó, bài viết tập trung làm rõ những đặc đểm lớp học đông sinh viên hiện nay và rút ra một số kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy lớp đông sinh viên của bản thân có hiệu quả nhất.
Abstracts
"Teaching large classes students" is a very common phenomenon in teaching at the university, colleges, professional secondary and vocational schools.. In certain limits, we only need to object to students at universities and colleges which were raised by the current. The problem that is, how to improve the status of teaching classes large number of student s. Therefore, this article focuses clarify special winter night class students present and draw some experience in teaching large classes of students themselves are most effective.
1. Đặt vấn đề.
   Nhiều năm qua, việc nghiên cứu cải tiến phương pháp dạy và học ở bậc đại học đã được các nhà nghiên cứu giáo dục chú ý. Trong đó, vấn đề chất lượng dạy và học trong lớp đông sinh viên là một vấn đề được nhiều người quan tâm.
   Lớp đông sinh viên là một nét đặc thù trong đào tạo ở bậc đại học và không chỉ có ở nước ta mà hầu như nước nào cũng có. Thực ra, lớp đông sinh viên là kết quả tất yếu của xu hướng phát triển giáo dục dựa trên nguyên tắc "chất lượng - hiệu quả - hiệu suất và công bằng" (theo Lê Đức Ngọc, 2001) .
Sự tăng lên nhanh chóng số người trúng tuyển vào các cơ sở đào tạo đại học trong điều kiện các nguồn lực bị hạn chế dẫn đến số người trong các lớp học tăng lên. Hiện tượng lớp học đông người nhanh chóng trở thành vấn đề cần tranh cãi của hầu hết các cơ sở đào tạo trong nước. Tất nhiên là lớp học đông người có thể tìm thấy ở nhiều cơ sở đào tạo trên thế giới. Vì không thể xoá bỏ được các lớp học đông người, nên chúng ta cần có một số phương pháp để việc giảng dạy lớp đông có hiệu quả như lớp ít sinh viên. Chúng ta thường cho rằng việc học tập của sinh viên tỷ lệ nghịch với số người học: lớp học càng ít người sinh viên học được càng nhiều. Tuy nhiên, trong khi nghiên cứu cho thấy rằng các lớp học ít người mang đến những cơ hội phản hồi và thảo luận nhiều hơn và người học được thoả mãn nhiều hơn so với các lớp học đông người, nhưng nó không khẳng định số lượng người trong lớp học là mối tương quan tất yếu cho việc học tập của sinh viên. Điều quan trọng không phải là số người ở trong lớp học mà lại là chất lượng của việc giảng dạy. Nghiên cứu chỉ ra rằng vấn đề cốt lõi dẫn đến việc dạy và học có hiệu quả, bất kể số người của lớp học, là việc thu hút sinh viên vào việc học tập tích cực.            Trường Đại học Bạc Liêu cũng như các trường đại học khác, hầu hết trong một lớp học đều có rầt đông sinh viên nên việc nghiên cứu tìm ra một phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng hiệu quả ở các lớp này là một việc làm rất cần thiết, tuy nhiên không phải dễ dàng để làm được điều này. Thực chất, đối với trường Đại học Bạc liêu lớp học có đông sinh viên nhất đa phần dành cho việc dạy các môn chung, có lúc số lượng có thể lên đến trên 150 sinh viên. Trong một lớp học đông đúc như vậy, thật là một thử thách nếu người thầy muốn áp dụng những phương pháp giảng dạy mới. Chẳng hạn, nếu học nhóm, chia nhỏ quá thì không thể đủ thời gian cho các nhóm trình bày kết quả làm việc, nhóm quá đông thì sinh viên không tham gia tích cực. Nếu thảo luận sẽ rất mất thời gian. Thật quá khó để "lấy người học làm trung tâm" trong những lớp học quá đông. Chỉ một người thầy không đủ. Vì sĩ số quá nhiều, giáo viên không thể có cơ hội tiếp xúc với học sinh, mà chỉ có thể tiếp xúc với tập thể. Điều này sẽ gây trở ngại cho giảng viên khi khơi dậy tính tích cực cho người học, nhất là tâm lý ỷ lại, thụ động thường có trong những lớp đông như vậy.
Chính vì thực trạng đó, trong bài viết này tôi xin đề cập một số kinh nghiệm qua một thời gian ngắn giảng dạy tại trường cũng như trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với các giảng viên có thâm niên lâu năm của nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy lớp đông sinh viên hiện nay. Đặc biệt, trong bài viết này tôi chủ yếu đề cập đến những kinh nghiệm chung của các trường Đại học, cao đẳng, từ đó áp dụng vào việc giảng dạy tai trường Đại học Bạc liêu.
2. Đặc điểm lớp học đông sinh viên.
Theo PGS.TS. Lê Đức Ngọc (Khoa Hóa học , Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học quốc gia Hà Nội), lớp đông sinh viên là lớp có biên chế từ 30 sinh viên trở lên đối với giờ học ngoại ngữ, giờ thực tập môn học, giờ chữa bài tập hoặc xêmina, từ 80 sinh viên trở lên đối với giờ học lý thuyết. Nhưng trong một tài liệu có tên “Giảng dạy lớp đông sinh viên - Những công cụ và chiến lược” của Elisa Carbone, Sage Publications - 1998, Jim Greenberg (trong lời nói đầu) lại cho rằng lớp đông là lớp có từ 100 sinh viên trở lên. Thực tế việc giảng dạy để đem lại hiệu quả cao đối với các lớp có đông sinh viên đang là một việc làm rất khó đối với các bộ phận những người làm công tác giáo dục, trường học cũng như các giảng viên đứng lớp. Bởi vì, lớp đông sinh viên sẽ xuất hiện nhiều hiện tượng phát sinh trong lớp học, khiến cho chất lượng truyền đạt nội dung đến hầu hết các sinh viên của giảng viên là không cao, có lúc rất thấp, điều này rất dễ thấy ở các lớp do các giảng viên thỉnh giảng về dạy, hầu như chất lượng không cao.
   Các lớp học các môn chung ở trường ta hiện nay hầu hết đều có sĩ số rất đông, đa phần là lớp ghép lại từ 2 lớp trở lên (nhiều khi lên đến 150 sinh viên cho một phòng học). Và như thế vấn đề đảm bảo chất lượng dạy và học luôn là một thách thức đối với người làm công tác quản lý đào tạo cũng như đối với giảng viên đứng lớp. Dưới đây sẽ là một số giải pháp được coi là kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng dạy học lớp đông sinh viên mà qua quá trình giảng dạy một thời gian không lâu cùng với việc nghiên cứu, trao đổi với các giảng viên có kinh nghiệm lâu năm trong trường mà đúc kết nên.
3. Một số kinh nghiệm dạy lớp đông sinh viên có hiệu quả
Có thể hiểu một cách đơn giản lớp đông sinh viên là lớp học có trên 100 sinh viên đối với các giờ học lý thuyết và có nhiều sinh viên mà giảng viên không thể nhớ tên. Hiện nay, chúng ta phải dạy lớp đông vì các lý do sau:
Một là, nhu cầu học tập của sinh viên ngày càng nhiều, điều này đã được thể hiện qua số lượng sinh viên đầu vào tăng hàng năm.
Hai là, để giảm kinh phí đào tạo và có lợi về mặt kinh tế cho nhà trường. Ngoài ra, có thể còn có một lý do nữa trong việc bố trí lớp đông là tạo ra một môi trường học tập năng động để sinh viên có thể học hỏi trao đổi với nhau.
Chính vì vậy, việc dạy lớp đông là một vấn đề khách quan và gần như là một đặc thù của trường. Vấn đề còn lại là làm thế nào để dạy hiệu quả một lớp đông sinh viên? Theo các nghiên cứu về giáo dục và kinh nghiệm của bản thân, để dạy một lớp đông có hiệu quả, người giảng viên cần:
Thứ nhất, tạo một ấn tượng tốt đối với sinh viên
Trong buổi đầu tiên của môn học, giảng viên tự giới thiệu sơ lược về bản thân, để giảng viên và sinh viên dễ dàng trao đổi. Sau đó, giảng viên giới thiệu về mục đích và mục tiêu của môn học mình đảm trách, đồng thời cho sinh viên biết ý nghĩa của việc học lớp đông là gì. Cuối cùng, giáo viên hãy thiết lập những giao ước giữa sinh viên và giảng viên trong lớp. Những giao ước đó phải rõ ràng và cụ thể, ví dụ như: Các em phải làm việc một cách yên lặng, Các em có thể trao đổi bàn bạc ý kiến nhưng không nói to làm ảnh hưởng đến các bạn khác.
Trong buổi lên lớp đầu tiên, giảng viên nên đến sớm vài phút, đi xuống lớp để trò chuyện với sinh viên khi họ đến lớp dù là một vài người. Giảng viên cũng cần có sự chuẩn bị một vài ví dụ có tính hài hước liên quan đến môn học, để sinh viên dễ nhớ bài, dễ nhớ về câu chuyện cùng với người đã kể chuyện. Trong buổi đầu tiên giảng viên cũng đừng quên đặt một số câu hỏi nhỏ để cho sinh viên động não một chút về môn học này. Chẳng hạn:
- Em đã nghe qua về môn học này chưa?
- Em đã biết gì về nội dung môn học này?
- Em muốn đạt được những gì từ môn học này ?
- Mục đích của em ở môn học này là gì?
- Tạo không khí thân mật trong lớp
Trong một lớp đông thì việc nhớ tên của tất cả sinh viên trong là điều rất khó khăn đối với giảng viên. Tuy nhiên, các thầy cô cũng có thể cố gắng nhớ tên sinh viên của mình bằng nhiều cách. Chẳng hạn, mỗi khi sinh viên phát biểu, chúng ta đề nghị sinh viên giới thiệu tên của mình trước. Qua đó sinh viên sẽ hiểu được các thầy cô giáo đang cố gắng nhớ tên của mình và họ cảm thấy mình được tôn trọng.
Bên cạnh đó, các thầy cô cũng nên cởi mở trong việc giao tiếp với sinh viên, chẳng hạn như khi trò chuyện, thảo luận với sinh viên, giảng viên cũng niềm nở lắng nghe và đón nhận những ý kiến của sinh viên và cung cấp phản hồi kịp thời cho sinh viên.
Ngoài ra, giảng viên cũng có thể tạo sự tương tác giữa người dạy và người học như đi quanh lớp khi giảng bài, mỗi khi sinh viên đặt câu hỏi cũng nên đến gần đó để trả lời. Giảng viên cũng có thể mời sinh viên cung cấp thông tin, qua những câu hỏi ngắn của giảng viên.
Trong những lớp đông, thiết lập mối quan hệ cá nhân với từng sinh viên là rất khó. Nhưng với một vài cố gắng, nó có thể giúp sinh viên cảm thấy ít bị cách biệt hơn và được tôn trọng hơn với tư cách là những cá nhân.
Thứ hai, tạo giờ học thú vị hơn
Giảng viên làm cho sinh viên lắng nghe bằng cách cố gắng thuyết phục sinh viên bằng nhiều cách. Chẳng hạn, giúp sinh viên tạo ra sự liên kết giữa bài giảng trên lớp với nhu cầu, mục đích và ước muốn riêng tư của họ cũng như những nhu cầu của xã hội về môn học này.
Giảng viên vận dụng tốt sự truyền đạt của mình, các yếu tố về cấu trúc bài giảng hợp lí và rõ ràng, sử dụng các ví dụ trực quan, trình bày chi tiết các vấn đề chính của bài giảng. Một giảng viên nhiệt tình không chỉ là người có nhiều kiến thức, mà là người thực sự muốn truyền đạt và chia sẽ kiến thức đó với sinh viên.
Ngoài ra, trong quá trình giảng bài, các thầy cô có thể sử dụng các câu chuyện để làm ví dụ minh họa cho bài giảng. Đó có thể là câu chuyện kinh nghiệm của bản thân tích lũy được trong quá trình giảng dạy hoặc trong đời sống thực tế, có thể là câu chuyện gia đình có liên quan đến vấn đề mình đang giảng dạy, có thể là câu chuyện từ các phương tiện thông tin đại chúng mà thầy cô đã tìm thấy trên báo đài, internet…Giảng viên cũng có thể trình diễn những đoạn phim ngắn hay đoạn kịch có liên quan đến vấn đề đang giảng sau đó đặt một số câu hỏi để sinh viên trả lời. Đối với các môn Lý luận chính trị thì biện pháp này sẽ là hữu hiệu nhất.
Thứ ba, lôi cuốn sinh viên cùng tham gia
Trong một lớp đông sinh viên thì việc làm việc theo cặp hay theo nhóm sẽ khiến học viên trong cùng cặp hoặc nhóm có thể giúp đỡ nhau trong suốt quá trình học tập. Sinh viên sẽ không còn cảm thấy chán nản khi suốt cả giờ cứ phải nghe giảng viên độc diễn. Giảng viên có thể sử dụng một trong các cách sau để tiến hành chia nhóm hay cặp cho sinh viên:
- Xếp những sinh viên có trình độ khác nhau vào cùng một nhóm: Nếu xếp sinh viên theo nhóm như thế này, các sinh viên khá hơn có thể giúp đỡ các sinh viên kém hơn.
- Xếp những sinh viên có cùng trình độ vào cùng một nhóm: Đối với những nhóm có khả năng học và tiếp thu nhanh hơn, giảng viên có thể để cho các sinh viên tự làm quen với công việc hay nhiệm vụ học tập của mình. Trong khi đó, giảng viên có thể dành nhiều thời gian và sự quan tâm hơn cho những nhóm yếu kém.
Một điều chú ý khi phân nhóm học tập là giảng viên cần chỉ định những sinh viên khá và nhanh nhẹn làm nhóm trưởng. Nhóm trưởng sẽ giúp bạn quản lý các sinh viên trong nhóm, chịu trách nhiệm về các hoạt động của sinh viên và giúp các sinh viên yếu hơn bắt kịp với tốc độ của hoạt động hay nhiệm vụ học tập mà giảng viên đã giao. Tuy nhiên, giảng viên vẫn cần phải đi xung quanh lớp, quan sát các sinh viên làm việc và đưa ra những lời khuyên hay khuyến khích sinh viên một cách kịp thời.
   Biết lắng nghe sinh viên cũng là phương pháp tốt để đạt kết quả. Việc lắng nghe sinh viên trả lời câu hỏi, yêu cầu sinh viên cung cấp thêm thông tin, giảng giải lại những điều sinh viên chưa rõ, không phê phán gay gắt những phát biểu sai hay những luận điểm trái ngược của sinh viên… là tạo ra sự liên kết giữa truyền đạt - tiếp thu.
Thứ tư, đánh giá công bằng
Giảng viên nên xây dựng các câu hỏi lựa chọn có khả năng chấm bài và cho điểm rất nhanh, hình thức này rất phù hợp cho lớp học đông người. Giảng viên cần phải phản hồi sớm cho sinh viên biết họ làm bài tốt hay dở như thế nào, những điểm chưa hợp lý trong bài làm của sinh viên. Đối với giảng viên, bài kiểm tra cho thấy mức độ sinh viên làm được bài hoặc không làm được bài của lớp học, và những nội dung có trong bài kiểm tra.
Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, giảng viên có thể đánh giá những bài trình bày của sinh viên với những nhận xét của các sinh viên khác. Để làm được điều này, giảng viên nên sử dụng một nhóm các tiêu chí thống nhất, những nhận xét được trả ngay và trả trực tiếp cho sinh viên thực hiện phần trình bày. Chẳng hạn, khi phân chia nhóm thảo luận về một chủ đề của môn học, giảng viên sẽ gọi ngẫu nhiên một thành viên trong nhóm lên trình bày, sau đó, khi các thành viên của các nhóm còn lại đặt câu hỏi, giảng viên cũng sẽ gọi ngẫu nhiên một thành viên trong nhóm trả lời. Với cách thức này, tất cả các thành viên trong nhóm đều phải nỗ lực tìm hiểu, đầu tư cho bài thảo luận của nhóm, tránh được tình trạng "một người làm cả nhóm cùng hưởng" và tạo sự công bằng giữa các thành viên.
Như vậy, có thể nói trên đây chính là toàn bộ những gì tôi muốn gửi đến các nhà giáo dục cũng như các giảng viên bằng chính kinh nghiệm vốn có của mình thông qua quá trình giảng dạy. Để đạt được hiệu quả giảng dạy theo một số yêu cầu trên đòi hỏi phải có sự hợp tác hết mình của cả giảng viên và sinh viên, có như thế mới ngày một nâng cao chất lượng giảng dạy hiện nay.
4. Thay lời kết
   Việc giảng dạy trong các lớp học đông người là một công việc khó khăn, nhưng điều đó có thể làm được ngay nếu chúng ta chuẩn bị công việc một cách lôgic, mang đến những kinh nghiệm học tập tích cực thay cho việc chỉ dựa vào bài giảng, phát huy sức mạnh của nhóm trong hoạt học tập. Khi những điều này được thực hiện thì việc giảng dạy lớp đông cũng sẽ mang lại hiệu quả như lớp học ít sinh viên. Phải thừa nhận một điều rằng, việc giảng dạy trong lớp đông sinh viên đòi hỏi giảng viên rất nhiều điều kiện cần thiết như sự chuẩn bị bài, cách thức truyền đạt, năng lực chuyên môn, hiểu biết sâu sắc về bài giảng, kinh nghiệm tích lũy… và đặc biệt là “nghệ thuật” quản lý sinh viên. Những điều kiện như thế không phải ai cũng như ai và “tiêu chuẩn” để đạt tới của giảng viên không phải hoàn toàn giống nhau, có nghĩa là có phương pháp thích hợp và có hiệu quả đối với giảng viên này nhưng chưa thích hợp và có hiệu quả đối với giảng viên khác. Do vậy, những biện pháp và các thủ thuật nêu ra ở đây chỉ mang tính chất trao đổi với mong muốn duy nhất nhằm khắc phục những khó khăn để nâng cao chất lượng đào tạo tại trường Đại học, cao đẳng trên cả nước nói chung và cho trường Đạo học Bạc Liêu nói riêng. Nếu được bài viết này xin được làm tài liệu tham khảo nhỏ cho các giảng viên tại các trường Đại học cũng như trường Đại học Bạc Liêu vận dụng vào giảng dạy lớp ghép, lớp đông sinh viên trong hiện tại và tương lai góp phần ngày một nâng cao chất lượng giáo dục đại học lên một tầm cao mới.
Tài liệu tham khảo
[1]          Giảng dạy lớp đông sinh viên, Lê Kim Anh, 2001.
[2]          Http://www.globaledu.com.vn/Thong-Tin-Chi-Tiet/1864/Nghe-thuat-day-mot-lop-dong-hoc-vien.
[3]          Http://www.pup.edu.vn/tap-chi-khoa-hoc-giao-duc-canh-sat-nhan-dan/tap-chi-so-7/nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-ngoai-ngu-doi-voi-lop-dong-sinhvien.
[5]          Phương pháp giảng dạy đại học và E - learning. Nguyễn Kim Dung, 2005.
[6]          Sổ tay phương pháp giảng dạy và đánh giá (2006), Lê Văn Hảo, Đại học Nha Trang.
[7]          Topic các phương pháp dạy học cho một lớp đông người hiệu quả, cao học
khóa 2 môn PPGD Đại học và E - Learning, 2006.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét