Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

MỘT SỐ TRAO ĐỔI NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỰ HỌC CÁC MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CỦA SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC - CAO ĐẲNG THEO HÌNH THỨC TÍN CHỈ HIỆN NAY


MỘT SỐ TRAO ĐỔI NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỰ HỌC CÁC MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CỦA SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC - CAO ĐẲNG THEO HÌNH THỨC TÍN CHỈ HIỆN NAY
 CN. Lê Hữu Lợi - Giảng viên
Bộ môn Lý luận chính trị
SĐT: 0976065979
Email: leloi1501@gmail.com

Tóm tắt
Tự học có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình học tập ở Đại học của sinh viên, là "biến quá trình đạo tạo thành quá trình tự đào tạo của sinh viên". Do đó, việc tổ chức tốt việc tự học cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các trường Đại học - cao đẳng theo hình thức tín chỉ hiện nay là việc làm cấp thiết. Qua bài viết này, chúng tôi đưa ra một vài trao đổi nhằm nâng cao chất lượng tự học các môn lý luận chính trị cho sinh viên các trường Đại học - cao đẳng theo hình thức tín chỉ, một mặt cho sinh viên tham khảo và vận dụng những phương pháp này trong việc tự học của mình. Mặc khác, góp phần xây dựng tinh thần, thái độ học tập cho sinh viên, nâng cao tính tự giác, thế giới quan, nhân sinh quan khoa học và hoàn thiện nhân cách thông qua quá trình tự học các môn Lý luận chính trị. Bài viết có đề cập đến vấn đề này tại trường Đại học Bạc Liêu hiện nay.
Abstracts
            Study is extremely important role in the learning process of students at the University, is "turning the forming process of self-training process of students". Therefore, the well-organized self-study for students to improve the quality of training of university - college credit in the form of current employment level is set. Through this article, we offer a few exchanges to improve the quality of study subjects political theory for students of the University - College in the form of credits, a reference surface for students and apply these methods in their study. On the other hand, contributing to build spirit, attitude learning for students, improve self-awareness, world view, scientific and human personality through the complete process of study subjects political theory . Posts that mention this problem in Bac Lieu University today.
1. Dẫn nhập.
Dạy và học là hai quá trình nằm trong một thể thống nhất biện chứng. Thầy dạy – trò học, dạy như thế nào sẽ có cách học tương ứng. Thực tế giảng dạy chúng tôi nhận thấy rằng không thể phát huy được tư duy sáng tạo của sinh viên, khi giảng viên sử dụng phương pháp dạy học nặng về truyền thụ kiến thức. Trong dạy học theo hệ thống tín chỉ, nhất thiết phải chuyển từ kiểu dạy học tập trung vào vai trò của giảng viên và hoạt động dạy sang kiểu tập trung vào vai trò của sinh viên và hoạt động học. Giảng viên không còn đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức mà là người gợi mở, hướng dẫn, tổ chức, cố vấn cho các hoạt động tự học của sinh viên.
            Chất lượng giảng dạy và học tập các môn học Lý luận chính trị trong những năm vừa qua tại trường Đại học, cao đẳng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải có cái nhìn một cách toàn diện và khách quan, nhất là từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đổi mới, sắp xếp lại các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề hiện nay còn có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Từ thực tế việc học tập các môn học này tại Đại học Bạc Liêu những năm gần đây, cũng như vị trí và vai trò của việc trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi cần phải có những đánh giá một cách khách quan về chất lượng tự học đối với các môn học này, nhất là từ khi chúng ta chuyển đổi sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ.    
          Các môn Lý luận chính trị góp phần hình thành, bồi dưỡng cho sinh viên thế giới quan, phương pháp luận khoa học, trang bị những kiến thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng ta, góp phần định hướng suy nghĩ, hành động và hoàn thiện nhân cách cho thế hệ trẻ. Vì vậy, sinh viên đến lớp không phải để nghe những lời diễn giảng một chiều mang tính chủ quan nhất định từ người dạy, mà qua những kiến thức đó, sinh viên  nhận thức, đánh giá và vận dụng vào thực tiễn như thế nào? Để đạt hiệu quả, ngoài vệc nghe giảng trên lớp sinh viên phải có phương pháp phù hợp để tự học, tự nghiên cứu.
          Tự học là một công việc tương đối phức tạp, đa dạng hóa, vì mỗi sinh viên đều có phương pháp học tập riêng, một thời gian riêng cho mình. Trong thời gian gần đây, cũng đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu về vấn đề này xét về mặt lý luận, tuy nhiên đối với trường Đại học Bạc Liêu thì vấn đề này là khá mới mẽ. Do vậy, trong bài tham luận này tôi trong xin đưa ra một số trao đổi xét về mặt phương pháp nhằm giúp sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước cũng như nhà trường tự học các môn Lý luận chính trị đạt hiệu quả cao hơn.
2. Vai trò và bản chất của việc tự học hiện nay.
            - Về vai trò của tự học hiện nay.
            Tự học, tự nghiên cứu là hình thức hoạt động của cá nhân người học nhằm nắm vững hệ thống tri thức và kĩ năng của môn học. Hoạt động tự học, tự nghiên cứu do chính sinh viên tiến hành ở trên lớp, ngoài lớp hoặc ở nhà. Đây là hoạt động có tính độc lập cao, được sự hỗ trợ tối ưu của giảng viên, nó được coi là chìa khóa vàng của giáo dục trong bối cảnh tri thức nhân loại tăng lên như vũ bão hiện nay.
            Việc khuyến khích sinh viên trong các trường đại học tự học, tự nghiên cứu hiện nay đang là vấn đề nhiều nhà giáo dục, nhiều trường đại học quan tâm, nhất là theo hình thức dạy học theo tín chỉ. Tuy nhiên muốn làm tốt việc này cần giúp sinh viên hiểu rõ vai trò của việc tự học quan trọng như thế nào? Có thể nói, tự học là nhân tố trực tiếp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học. Khi một học sinh trở thành một sinh viên đại học, họ bắt đầu phải làm quen với phương thức học tập hoàn toàn mới mẻ. Sinh viên đại học, học phương pháp là chủ yếu. Giờ đây, thầy cô giáo đóng vai trò là những người hướng dẫn học tập, và các giờ lên lớp chỉ cung cấp được những kiến thức cơ bản nhất, những tài liệu cơ bản, còn việc học tập của sinh viên là sắp xếp trình tự, thời gian để nghiên cứu nắm tài liệu cơ sở và cả tài liệu tham khảo mở rộng. Thêm vào đó, không còn sự kiểm tra gay gắt của giảng viên, kết quả học tập dồn hết vào kỳ thi hết học phần. Kết quả này phụ thuộc vào bản thân sinh viên là chủ yếu. Công tác tự học của sinh viên ngày càng tăng lên, ngày càng đòi hỏi nhiều cố gắng nỗ lực vì chỉ có việc tự học mới trang bị cho mình kiến thức mới nhất, khoa học nhất và thu được nhiều kinh nghiệm cho thực tiễn hoạt động và đạt kết quả như mong muốn.
            Bên cạnh đó, tự học còn giữ vai trò lớn lao trong việc nâng cao thành tích, hoạt động trí tuệ của sinh viên trong việc hiểu và tiếp thu tri thức mới, nhiều nhà giáo dục nổi tiếng đã nêu lên sự cấp thiết phải khéo léo tổ chức việc tự học cho sinh viên. Trong quá trình tự học, sinh viên sẽ gặp nhiều vấn đề mới và việc đi tìm giải đáp cho những vấn đề ấy là cách tốt nhất để kích thích hoạt động trí tụê cho sinh viên. Theo Aditxterrec: "Chỉ có truyền thụ tài liệu của giáo viên mà thôi thì dù có nghệ thuật đến đâu chăng nữa cũng không đảm bảo được việc lĩnh hội tri thức của học sinh. Nắm vững kiến thức thực sự lĩnh hội chân lý, cái đó học sinh phải tự mình làm lấy bằng trí tụê của bản thân". Hồ Chí Minh cũng đã từng yêu cầu cán bộ giảng dạy phải có phương pháp "hỗ trợ cho việc tự học", phải biết "nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ"[1] cho người học.
            Tự học được tổ chức tốt không những cung cấp cho sinh viên những kiến thức mới, bổ ích mà còn giúp họ rất nhiều trong công việc sau này khi họ trở thành những người chủ thực sự góp phần xây dựng đất nước. Bí quyết để chiến thắng là trang bị cho mình những tri thức toàn diện, đây cũng là nhiệm vụ đặt ra cho công tác tự học. Không chỉ có vậy, tự học còn có vai trò to lớn trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho sinh viên. Việc tự học rèn luyện cho sinh viên thói quen độc lập suy nghĩ, độc lập giải quyết vấn đề khó khăn trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, giúp cho họ tự tin hơn trong việc lựa chọn cuộc sống cho mình. Hơn thế, tự học thúc đẩy sinh viên lòng ham học, ham hiểu biết, khát khao vươn tới những đỉnh cao của khoa học sống có hoài bão, ước mơ.
            - Về bản chất quá trình tự học của sinh viên hiện nay.
            Thực chất tự học là một quá trình học tập, một quá trình nhận thức không trực tiếp có thầy giáo. Đó là "lao động khoa học", vất vả hơn nhiều so với quá trình học có thầy (cô), bởi vì người học phải tự xây dựng cho mình cách học và sử dụng hợp lý các điều kiện, hình thức, phương tiện học tập để đạt được kết quả mong muốn.
            Có thể nói: "Bản chất của công việc tự học của sinh viên đại học là quá trình nhận thức một cách tự giác, tích cực, tự lực không có sự tham gia hướng dẫn trực tiếp của giáo viên nhằm đạt được mục đích, nhiệm vụ dạy học"[2] . Tự học vừa mang ý nghĩa củng cố trau dồi tri thức và có ý nghĩa mở rộng hiểu biết. Tự học có nghĩa là sinh viên phải độc lập, tự xây dựng kế hoạch, phương pháp học tập cho mình, tự năng động tìm tòi, phân tích những sách vở, tài liệu tiến tới làm chủ tri thức, kĩ năng, kĩ xảo.
            Bản chất của quá trình tự học là không có sự hướng dẫn của giáo viên nên tất yếu đòi hỏi nỗ lực, tích cực hoá hoạt động nhận thức của sinh viên. Sự tự kiềm chế đối với những ảnh hưởng ngoại cảnh hay những ước muốn không hợp lẽ trong tư tưởng là điều kiện cần thiết đối với quá trình tự học. Nếu thiếu tự kìm chế, kiên trì, những yêu cầu cao, sự nghiêm túc đối với bản thân thì sinh viên không bao giờ thực hiện được kế hoạch học tập do chính mình đặt ra.
            Có thể nói, việc nắm vững vai trò và bản chất việc tự học của sinh viên hiện nay sẽ góp phần rất lớn cho các giảng viên tìm ra những giải pháp tốt nhất giúp sinh viên có phương pháp tốt nhất trong việc nâng cao chất lượng tự học của mình theo học chế tín chỉ như hiện nay.
3. Một vài trao đổi nhằm nâng cao chất lượng tự học các môn lý luận chính trị của sinh viên các trường Đại học - cao đẳng theo hình thức tín chỉ hiện nay.
            Dựa vào kinh nghiệm giảng dạy của bản thân và thông qua việc học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp cùng trường cũng như ở các trường đại học, cao đẳng khác, chúng tôi đúc kết thành một số giải pháp dưới đây góp phần nâng cao chất lượng tự học các môn Lý luận chính trị cho sinh viên tại các trường Đại học, cao đẳng nói chung và tại trường Đại học Bạc Liêu nói riêng.
Thứ nhất là, chuẩn bị tài liệu và phương tiện theo sự hướng dẫn của giảng viên.
            Học là hoạt động nhận thức tích cực, tự giác và sáng tạo của sinh viên, hoạt động dạy của người giảng viên không có nghĩa là truyền thụ tri thức, truyền thụ những sản phẩm sẵn có, mà cần phải tổ chức, điều khiển hoạt động tự nhận thức của sinh viên, hình thành cho sinh viên nhu cầu thường xuyên học tập, tìm tòi kiến thức, kích thích năng lực sáng tạo, trang bị cho các em năng lực tổ chức lao động trí óc một cách hợp lý, làm cho các em định hướng được kiến thức bài học và tự khai thác tri thức.
Để đạt được mục tiêu này, giảng viên cần yêu cầu sinh viên chuẩn bị bài kỹ trước mỗi buổi học. Bên cạnh giáo trình môn học, sinh viên cần chủ động sưu tầm tài liệu, thông tin trên các phương tiện; với các yêu cầu cụ thể như: sinh viên sẽ trả lời những câu hỏi nào, sử dụng phương tiện gì để phục vụ cho việc học tập, để khi tiến hành bài học trên lớp thì giảng viên và sinh viên cùng làm việc tránh tình trạng độc thoại của giảng viên. Đối với việc học tập các môn Lý luận chính trị sinh viên nên cần chuẩn bị tài liệu thật kỉ trước khi lên lớp.
Thứ hai là, phải có phương pháp nghe giảng và ghi chép trên lớp.
Để tiếp nhận bài giảng một cách tối ưu, sinh viên cần tìm hiểu đề cương chi tiết học phần để nắm chương trình môn học, biết được những vấn đề sẽ trình bày theo hướng nào, nội dung, phạm vi của bài học, vấn đề nào sinh viên sẽ tự học, tự nghiên cứu.
 Sinh viên cần làm tốt công tác chuẩn bị, nên bắt đầu từ việc xem lại bài ghi lần trước, khi sinh viên nắm vững kiến thức đã học sẽ lĩnh hội nội dung bài mới tốt hơn. Khi nghiên cứu nội dung bài mới, những vấn đề khó hoặc chưa hiểu, sinh viên nên ghi chép lại để khi nghe giảng sẽ chú ý hơn và nếu bài giảng chưa giải thích rõ các em cần trao đổi với thầy hoặc bạn.
Nghe giảng và ghi chép là hai hoạt động cùng tiến hành đồng thời. Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, việc tiến hành đồng thời hai loại hoạt động chỉ có thể đạt được kết quả cao khi một trong hai hoạt động đó đã trở nên thành thạo đến mức gần như tự động hóa. Cách ghi chép lại mang sắc thái cá nhân, mỗi môn học lại đòi hỏi một phương pháp ghi chép khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là nếu sinh viên không hiểu bài thì không thể ghi chép tốt được. Vì vậy, qua cách ghi của sinh viên, giảng viên có thể biết được mức độ nắm bài của sinh viên. Như vậy, việc ghi lại bài giảng cũng là một nghệ thuật, luôn thay đổi tùy theo đặc trưng từng môn học và phong cách giảng của từng giảng viên. Đối với các môn Lý luận chính trị, cần đảm bảo tính chính xác và tính lôgic của các quan điểm, luận cứ, luận chứng…Vì vậy, bài ghi của sinh viên phải chính xác, đảm bảo yêu cầu về kiến thức và tính lôgic của bài học. Tuy nhiên, cách ghi  bài của mỗi sinh viên có thể khác nhau, tùy thuộc vào vốn hiểu biết và sự vận dụng sáng tạo của mỗi sinh viên.
Mặc dù trên lớp sinh viên tích cực động não và ghi chép, nhưng nếu sau đó sinh viên xếp vở ghi lại, đợi tới ngày ôn thi mới mở ra xem mà không chỉnh lý ngay thì việc tiếp thu bài không thể coi là hoàn chỉnh và tốt; ở trình độ đại học và cao đẳng các môn Lý luận chính trị có khối lựợng kiến thức rộng, mang tính trừu tượng được tổng hợp từ nhiều lĩnh vực, nên bài giảng của giảng viên trên lớp chỉ mang tính hướng dẫn, gợi ý chứ không phải trình bày hoàn chỉnh, trọn vẹn về một vấn đề. Vì vậy, việc xem lại và hoàn chỉnh bài ghi là việc làm tất yếu đối với sinh viên.
Để giúp sinh viên có thể nghe giảng và ghi chép thuận lợi, giảng viên nên:
- Giới thiệu trước những tài liệu cần đọc để phục vụ cho bài học và đề ra những yêu cầu cụ thể cho sinh viên khi đọc các tài liệu đó.
- Cần có những hình thức, biện pháp kiểm tra việc đọc tài liệu và tự nghiên cứu của sinh viên.
- Trình bày vấn đề một cách hệ thống, rõ ràng để sinh viên dễ theo dõi vấn đề và ghi chép, tránh tình trạng giáo viên trình bày bài giảng tản mạn, thiếu hệ thống, làm cho sinh viên dù phải tập trung chú ý cao độ nhưng vẫn không nắm bắt được nội dung cơ bản của vấn đề và không thể ghi chép được.
Thứ ba là, phải có phương pháp đọc giáo trình và tài liệu.
Đối với sinh viên ở trình độ đại học và cao đẳng, đọc sách không những là nhu cầu, hứng thú mà còn là một nhiệm vụ tất yếu. Đọc giáo trình, tài liệu để tự học, tự nghiên cứu là công việc chính của mỗi sinh viên. Trong quá trình học tập các môn Lý luận chính trị, 100% sinh viên phải có giáo trình, tài liệu cần thiết, theo chúng tôi để đọc giáo trình và tài liệu có kết quả, sinh viên cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Sinh viên phải biết lựa chọn sách, báo, tạp chí, văn kiện, nghị quyết,… phù hợp với từng bài học, cần xác định rõ mục đích đọc tài liệu: Đọc để tìm hiểu toàn bộ nội dung cuốn sách; để tìm hiểu một vấn đề; sưu tầm tài liệu bổ sung cho những vấn đề các em đang nghiên cứu… hoặc thu thập thông tin để giải quyết một vấn đề thực tiễn nào đó. Nói chung, đọc sách vì mục đích gì thì sinh viên phải xác định được ngay từ đầu mới đạt hiệu quả thiết thực.
- Đọc tài liệu để hiểu sâu kiến thức cơ bản của từng bài, từng chương và tiến tới cả học phần. Sinh viên biết tự triển khai những vấn đề cụ thể của từng học phần như: thiết kế, chuẩn bị câu hỏi cho các giờ thảo luận trên lớp; phương án giải quyết vấn đề, sinh viên nên thiết kế theo hướng từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
Thứ tư là, sinh viên phải lập kế hoạch học tập.
Nhằm tránh tình trạng chỉ tập trung học ở những thời điểm nhất định vào các kỳ thi, sinh viên cần thiết lập kế hoạch học tập của mình cho từng học phần, học kỳ, năm học. Để tạo điều kiện cho sinh viên vạch kế hoạch học tập một cách thuận lợi và khoa học, vào đầu mỗi học phần giảng viên cần cung cấp cho sinh viên đề cương chi tiết môn học, giới thiệu giáo trình, tài liệu tham khảo, số lượng bài kiểm tra, hình thức thảo luận trên lớp, hình thức thi kết thúc môn học, hướng dẫn sinh viên những nội dung tự học ở nhà…từ đó sinh viên lập kế hoạch học tập phù hợp với từng môn học, thời gian và đặc điểm tâm lý của bản thân.
Kế hoạch học tập của sinh viên phải thực tế và linh hoạt, không thể lập một kế hoạch mà trong đó mỗi công việc đều không quy định thời gian cụ thể. Đặc biệt, trong đào tạo theo học chế tín chỉ, sinh viên có nhiều thời gian để tự học, nên các em phải có kế hoạch sử dụng quỹ thời gian hợp lý, có như vậy các em mới làm chủ được quỹ thời gian, không bị động trước nhiều nguồn tư liệu cần phải đọc và các công việc phải hoàn thành theo yêu cầu và sự hướng dẫn của giảng viên.
Thứ năm, tự học ở nhà - một nhân tố quan trọng đối với quá trình lĩnh hội tri thức. Tự học ở nhà là lần thứ hai lĩnh hội tri thức, là lĩnh hội bằng sự tái tạo của bản thân sinh viên. Bước tái tạo này giúp sinh viên nắm chắc hơn điều đã được học, hoàn thành những chỗ khó, hệ thống hoá lại bài học trên lớp, nhờ đó tránh được "học vẹt", học mà không hiểu. Trong thực tế, việc học ở nhà còn giúp sinh viên mở mang tri thức, lĩnh hội tri thức mới, rèn luyện kỹ năng vận dụng tri thức vào cuộc sống để tự rút ra kinh nghiệm cho mình nhất là theo hình thức tín chỉ.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã xác định: "Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học cùng hệ thống quản lý giáo dục"[3]. Hưởng ứng theo tinh thần Đại hội Đảng, trường Đại học Bạc Liêu cũng như tất cả các trường đại học và cao đẳng trên cả nước đều tiến hành đổi mới phương pháp dạy học nhằm ngày một nâng cao chất lượng giáo dục của trường... Từ khi thành lập đến ngày hôm nay, nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều Hội thảo, tọa đàm liên quan đến việc đổi mới phương pháp dạy học cho sinh viên tại trường, thành lập nhiều câu lạc bộ tự học, kỹ năng, năng khiếu cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học hơn nữa, bước đầu đã và đang mang lại hiệu quả cao. Sinh viên không những tiếp thu được kiến thức trên lớp, mà thông qua những buổi trao đổi phương pháp học tập, sinh hoạt trong câu lạc bộ, sẽ giúp sinh viên tự xây dựng cho mình một phương pháp học tập cho mình phù hợp nhất. Đối với trường Bạc Liêu, để nâng cao chất lượng tự học cho sinh viên khi học các môn lý luận chính trị theo hệ thống tín chỉ thì cần phải tuân thủ một số phương pháp học tập như sau:
            - Sinh viên cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học tập các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là góp phần xây dựng thế giới quan và nhân sinh quan khoa học, hình thành lý tưởng xã hội chủ nghĩa cũng như phát triển nhân cách cao đẹp cho chính bản thân mình.
            - Cần dự lớp đầy đủ, chuẩn bị tài liệu học tập và biết cách ghi chép những nội dung cốt lõi nhất mà giảng viên truyền tải.
            - Tăng cường trao đổi, thảo luận trên lớp cũng như thành lập nhóm học tập, tìm kiếm thông tin qua thư viện, báo chí, mạng Internet góp phần làm tăng vốn kiến thức của mình.
            - Tự học ở nhà cũng là một biện pháp tối ưu nhất, phù hợp với chương trình giáo dục hiện nay cũng như quy định về số tiết tự học đối với chương trình học chế tín chỉ.
            Như vậy, một số trao đổi trên đây đã góp phần giúp cho sinh viên các trường đại học - cao đẳng nói chung và sinh viên trường Đại học Bạc Liêu nói riêng có một phương pháp tự nâng cao chất lương và hiệu quả tự học của mình trong việc học tập các môn lý luận chính trị, nếu được đây cũng là một tài liệu cho các sinh viên của trường cũng như giảng viên tham khảo và góp ý để có hướng đi hiệu quả nhất trong thời gian sắp tới trong việc dạy và học hiện nay.
4. Thay lời kết
          Trên đây là những trao đổi của tôi về một số phương pháp để sinh viên các trường Đại học và cao đẳng nói chung và trường Đại học Bạc liêu nói riêng tham khảo, nhằm nâng cao chất lượng tự học các môn Lý luận chính trị hiện nay. Có thể nói, việc tự học giúp sinh viên có khả năng độc lập, sáng tạo trong lĩnh hội tri thức và trong hoạt động. Khi tự học, sinh viên làm quen với nhiều thuật ngữ, nhiều cách đề cập đến một vấn đề, vì vậy họ sẽ trở nên năng động hơn, tự chủ hơn trong việc tiếp thu tri thức. Qua đó có thể nói rằng tự học của sinh viên không chỉ là một nhân tố quan trọng trong lĩnh hội tri thức mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách sinh viên. Với một vài suy nghĩ về giải pháp nêu trên cũng đã một phần nào giúp sinh viên có một tư duy, nhận thức mới và đúng đắn về phương pháp học tập - tự học ở giảng đường đại học, nhất là đối với sinh viên năm thứ nhất, chất lượng tự học của sinh viên được nâng lên đồng nghĩa với việc ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên cũng như chất lượng đào tạo của nhà trường được thể hiện, nhất là đối với các môn lý luận chính trị được xem là những môn khô, khó và trừu tượng. Vì vậy, có thể kết luận một điều rằng việc nâng cao chất lượng tự học cho sinh viên hiện nay la một việc làm không phải dễ dàng tí nào, điều này đòi hỏi cần phải có sự phối hợp của cả nhân tố chủ quan - sinh viên và nhân tố khách quan - giảng viên, nhà trường, gia đình và xã hội, chất lượng tự học tăng dẫn đến hàng loạt hệ quả tốt liên quan đến chất lượng dạy học, giáo dục và phát triển nhân cách cho sinh viên, góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam vươn xa hơn nữa trong tương lai.






           
Tài liệu tham khảo
[1]       Bộ môn Lý luận chính trị, Nâng cao chất lượng dạy và học các môn Lý luận chính trị, Tạp chí thông tin khoa học - giáo dục trường Đại học Bạc Liêu, Số 4 - tháng 09/2010, tr. 6.
[2]       Hà Thị Đức, Về hoạt động tự học của sinh viên sư phạm, Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, số 4 (1992), tr. 23.
[3]       Nguyễn Kỳ, Biến quá trình dạy học thành quá trình tự học, Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục số 2 (1990), tr.24.
[4]       Phan Bích Ngọc (2009), Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Ngoại ngữ, Số 25, tr.160 - 164.
[5]       Phan Bích Ngọc, Nghiên cứu kĩ năng làm việc độc lập với sách của sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đề tài cấp Đại họcQuốc gia - mã số QN05.07.
[6]       Trần Anh Tuấn, Vấn đề tự học của sinh viên từ góc độ đánh giá chất lượng kỹ năng nghề nghiệp, Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, 5 (1996), tr.18.
[7]       TS. Đào Hoàng Nam, Đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, Tạp chí thông tin khoa học - giáo dục trường Đại học Bạc Liêu, Số 4 - tháng 09/2010, tr. 5.
[8]       Võ Thị Minh Duyên, Một số trao đổi nhằm góp phần nâng cao chất lượng tự học các môn lý luận chính trị của sinh viên trường Đại học Phú Yên, Kỷ yếu Hội nghị học tốt năm học 2010 - 2011, tr.1.


[1] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 8, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Hà Thị Đức, Về hoạt động tự học của sinh viên sư phạm, Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, số 4 (1992), tr. 23.

[3] TS. Đào Hoàng Nam, Đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, Tạp chí thông tin khoa học - giáo dục trường Đại học Bạc Liêu, Số 4 - tháng 09/2010, tr. 5.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét